Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CEO ngành du lịch xoay đủ nghề trong "bão" Covid-19
Hồ Hạ - 27/05/2021 08:28
 
Xác định sống chung với đại dịch, nhiều CEO ngành du lịch đang phải chuyển nghề trong bão Covid-19 để lấy ngắn nuôi dài.
CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài chuẩn bị đi ship các món dê cho thực khách
CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, chủ nhà hàng Tái Dê chuẩn bị đi ship các món ngon cho thực khách. Ảnh: NVCC

Chuyển sang ẩm thực

Vượt qua đợt Covid-19 lần thứ ba, những doanh nghiệp du lịch còn trụ lại đang đầy hy vọng bởi “mùa vàng” du lịch hè đã cận kề thì làn sóng Covid-19 lần thứ tư dữ dội hơn đã nhấn chìm tất cả, khiến nhiều CEO buộc phải chuyển hướng kinh doanh.

CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết, Đợt Covid-19 lần thứ tư khiến VietSense Travel cũng như các công ty du lịch nói chung thiệt hại rất nặng nề. Bởi họ đã đầu tư rất lớn vào công tác marketing, quảng cáo, đặt cọc vé máy bay, phòng khách sạn, lương nhân viên, thuê văn phòng... Vậy nhưng, gần 1.000 khách hàng đặt tour khởi hành trong tháng 5 của VietSense Travel đã hoãn, hủy tour. Trong lúc kinh doanh lữ hành phập phù, vì đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, hồi cuối tháng 4/2021, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel khai trương nhà hàng tái dê tại phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội).

Kế hoạch mở nhà hàng tái dê được ông Tài chuẩn bị từ đầu tháng 4, không ngờ ngày 27/4 xuất hiện ca dương tính với Covid-19, nên nhà hàng chủ yếu bán cho khách mang về, bán online. Khi đông khách, CEO Tài cũng không nề hà chạy xe máy ship tận nhà cho thực khách. Từ ngày 25/5, theo Công điện khẩn của UBND TH Hà Nội, Nhà hàng không phục vụ khách tại chỗ mà chỉ bán mang về, ship tận nơi

Kinh doanh du lịch trong mùa dịch không hiệu quả, ông Đào Xuân Ước, CEO Sea Travel chuyển sang kinh doanh ẩm thực để "vực" lữ hành. Giữa tháng 4/2021, nhà hàng Cơm thố Lão Đại của Sea Travel chính thức khai trương tại địa chỉ 50 Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội).

Mặc dù Cơm thố Lão Đại có năng lực phục vụ trên 100 thực khách cùng lúc tại chỗ, chưa kể bán mang về, nhưng theo công điện khẩn số 11 của UBND thành phố Hà Nội, hiện nhà hàng Cơm thố Lão Đại chỉ bán cho thực khách mang về. Thế nên, lợi nhuận cũng không đáng là bao, nhưng với CEO Đào Xuân Ước, có việc làm cho mình và nhân viên trong lúc này cũng đã là niềm hạnh phúc.

"Xoay" đủ nghề

Du lịch vốn không được xem là lĩnh vực kinh doanh thiết yếu nên thất thế trong mùa dịch. Chính vì thế, nhiều CEO đã chuyển sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được xem là không thể thiếu để chờ ngày "bão tan".

.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel ship bia tận nhà cho khách. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho hay. Xác định “sống chung với dịch”, từ khi Covid-19 bùng phát lần đầu tiên, vị doanh nhân này đã chuyển một phần nhân sự sang sản xuất và kinh doanh bia tươi organic cao cấp Euro Beer, do ông làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành.

Các CEO ngành kinh tế xanh đề xuất Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thực sự hữu hiệu, sát thực tế để cứu doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch. Bởi nếu không, cả thị trường nội địa và quốc tế đều khó có thể phục hồi vì các doanh nghiệp đã sức cùng, lực kiệt.

Ông Đạt cho biết: “Covid-19 bùng phát, nguồn cầu truyền thống tạm dừng, chúng tôi đẩy mạnh bán online, ship tận nhà cho khách hàng. Nhờ đó, một bộ phận nhân viên vẫn có việc làm. Khi dịch được kiểm soát, Euro Beer sẽ phân phối cho các nhà hàng, khách sạn”.

Nhân sự rơi rụng nhiều, nên những lúc bận, ông Đạt phải hỗ trợ nhân viên ship hàng. “Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng thị trường của Euro Beer tới TP.HCM và các tỉnh, thành phố chưa ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh đợt này”, ông Đạt cho biết.

Vốn là chủ một công ty lữ hành có 7 văn phòng tour ở khu phố cổ Hà Nội, nhưng khi du lịch đóng băng, ông Nguyễn Văn Sáng quay sang mảng kinh doanh online và chạy xe Grab. Ông tâm sự: “Covid-19 đưa tôi về con số 0, nên phải làm lại từ đầu”.

Hiện, ông lập ra hàng loạt trang mạng về thực phẩm để kinh doanh các mặt hàng hải sản tươi sống, rau củ quả, cà phê sạch, nước ozone khử khuẩn mùa dịch. Ngoài ra, ông còn làm tài xế Grab. Công việc này giúp ông tiếp xúc với nhiều khách hàng, thậm chí bán được sản phẩm cho cả các tài xế Grab khác.

Để có nguồn thu nhập cho nhân viên, ông Trần Văn Long, CEO Công ty Du lịch Việt cũng xoay xở đủ kiểu. Từ khi bùng phát Covid-19 lần thứ nhất, ông Long chuyển hướng sang nhiều cách, từ hỗ trợ giải cứu dưa hấu đến bán nông sản, rau củ, nước rửa tay, rồi sản xuất khẩu trang. Vị doanh nhân này cho biết, lúc bắt đầu chỉ đầu tư vài máy sản xuất khẩu trang, nhưng nhu cầu thị trường lớn nên đến nay Công ty đã có 4 nhà máy chính và các nhà máy liên kết ở khắp ba miền và 1 nhà máy tại bang Virginia (Mỹ).

Hiện nay, tổng công suất trung bình mỗi ngày của toàn bộ hệ thống có thể đạt 5 triệu Khẩu trang một ngày. Nếu hoạt động 2 ca hết công suất có thể đạt 10 triệu khẩu trang một ngày. Đồ bảo hộ có thể đạt 100.000 sản phẩm/ngày. Ecom Net cũng sẵn sàng đáp ứng về yêu cầu thời gian cũng những tiêu chuẩn chất lượng cho tất cả các đơn hàng lớn trong nước và xuất khẩu khắp thế giới.

Thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn mở các đường bay đón các chuyên gia, nhà đầu tư ở nước ngoài đến Việt Nam trong điều kiện bảo đảm an toàn, phòng chống dịch. Vì thế, nhiều hãng lữ hành đã chuyển sang làm các thủ tục nhập cảnh, đưa đón chuyên gia và người Việt Nam ở nước ngoài về nước.

CEO Ascend Travel Dương Mai Lan cho biết, đơn vị đã chuyển hướng làm dịch vụ đón khách chuyên gia và Việt kiều từ nhiều tháng nay. "Chúng tôi nhận danh sách khách hàng từ các đối tác với sự cam đoan bảo đảm danh sách khách hàng phải đúng yêu cầu là các chuyên gia của công ty cử đến, bảo đảm sức khỏe và được kiểm tra về an toàn, phòng, chống dịch trước khi nhập cảnh. Từ danh sách này, phía công ty du lịch Việt Nam sẽ thuê các chuyến bay nguyên chuyến (charter) để đưa khách về Việt Nam theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn về phòng, chống dịch", bà Lan cho hay.

Tương tự, CEO Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cũng chuyển sang tổ chức các dịch vụ đưa, đón khách chuyên gia, Việt kiều về nước như: Làm visa, kết nối các chuyến bay, tổ chức xe vận chuyển... Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị này đã phục vụ vài trăm khách, chủ yếu là chuyên gia nước ngoài về nước.

Ngoài ra, không ít CEO ngành du lịch tạm chuyển nghề sang chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sản xuất và phân phối nông sản, kinh doanh bất động sản,… để chờ ngày được trở về nghề cũ.

Trải qua 4 đợt Covid-19, các doanh nghiệp du lịch giờ đã “vườn không nhà trống”, “cháy nhà tứ phía”. Hơn ai hết, doanh nghiệp du lịch mong mỏi Chính phủ, các cấp, ngành và người dân tiếp tục phòng, chống Covid-19 hiệu quả, nhanh chóng đẩy lùi được đợt dịch lần thứ tư này giống như ba lần trước, vì chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân mới đi du lịch và doanh nghiệp mới có thể hồi sức.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Doanh nhân Phạm Hà: Doanh nghiệp du lịch “ngủ đông giữa mùa hè”
Doanh nhân Phạm Hà chia sẻ, nếu không sớm có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ nguy cơ tụt hậu của ngành du lịch Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư