Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ngành du lịch đối diện với nguy cơ khủng hoảng lao động
Hồ Hạ - 22/05/2021 09:32
 
Covid-19 bùng phát lần thứ tư không chỉ khiến du lịch nội địa đóng băng theo thị trường quốc tế, mà còn khiến ngành kinh tế xanh đứng trước nguy cơ khủng hoảng nhân lực nghiêm trọng.
Nhiều nhân sự ngành du lịch phải bỏ việc để tìm nghề khác, khiến ngành này đứng trước nguy cơ khủng hoảng lao động 	ảnh: đ.t
Nhiều nhân sự ngành du lịch phải bỏ việc để tìm nghề khác, khiến ngành này đứng trước nguy cơ khủng hoảng lao động ảnh: đ.t

90% nhân sự nghỉ việc

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho hay, cuối năm 2019, cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 nên xu hướng nghỉ việc tăng cao.

Khảo sát mới đây của TAB cho thấy, 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác đối với số người lao động bị mất việc.

Doanh nghiệp du lịch đối diện với khủng hoảng nhân lực khi đã “sức cùng, lực kiệt”, nếu không có sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ và các cơ quan chức năng thì khả năng tụt hậu ngành kinh tế xanh sẽ khó tránh khỏi.

Riêng tại Hà Nội, Sở Du lịch cho biết, từ cuối tháng 1/2021 đến nay, do sự bùng phát trở lại của Covid-19, du lịch trên địa bàn thành phố tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách sụt giảm, các hãng lữ hành và nhà hàng, khách sạn gặp vô vàn khó khăn.

Tính đến hết tháng 2/2021, tại Hà Nội, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước khoảng 95%. Đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động. 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh. Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương 12.168 người.

Liên tiếp hứng chịu tác động bởi các đợt Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch đứng ngồi không yên, xoay xở đủ kiểu để không gục ngã. Trước tác động của Covid-19, VietSense Travel buộc phải giảm nhân sự, chuyển đổi, sắp xếp lại nhiều vị trí như nhân viên phụ trách thị trường quốc tế chuyển sang làm nội địa. Còn ở AZA Travel, một bộ phận chuyển sang sản xuất, kinh doanh bia thủ công. Nhân viên TransViet Travel chuyển vào Đà Lạt trồng nông sản sạch…

Trung tâm đào tạo khó tuyển học viên

Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel lo lắng: “Sau đợt này, các doanh nghiệp du lịch vốn đã cạn kiệt nguồn lực sẽ càng thê thảm. Sẽ có thêm những doanh nghiệp không thể chống chịu thêm và buộc phải dừng hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh. Khi đó, chắc chắn khủng hoảng về nguồn nhân lực du lịch sẽ càng thêm trầm trọng”.

Ông Tài phân tích, nguồn nhân lực du lịch sau 3 đợt Covid-19 tấn công còn rất ít, chủ yếu là những người rất yêu nghề và nằm ở những doanh nghiệp có năng lực, có sức chống đỡ. Nhưng, sau khi Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các doanh nghiệp lữ hành không còn đủ năng lực để giữ bộ máy nhân sự nữa. Người lao động buộc phải chuyển sang những ngành nghề khác để mưu sinh. Nếu tìm được công việc thích hợp và có mức thu nhập tương đương như trước thì chắc chắn họ sẽ không quay trở lại ngành du lịch nữa.

“Điều đó có nghĩa là nguồn nhân lực sẽ “chảy máu” gần hết. Các doanh nghiệp có xu thế co cụm lại, ông chủ vừa là lãnh đạo, cũng trực tiếp tham chiến để giảm chi phí nên lực lượng lao động không còn việc. Tuy nhiên, khi Covid-19 được kiểm soát, có thể 1 đến 2 năm sau, công việc quá nhiều, các ông chủ không thể làm xuể, muốn tuyển nhân sự thì không còn ai để tuyển. Lúc đó, khoảng trống, lỗ hổng nhân lực ngành du lịch sẽ rất lớn mà không phải ngày một ngày hai có thể khỏa lấp được”, ông Tài nói.

Ngoài thách thức đang đặt ra, theo các chuyên gia du lịch, Covid-19 cũng là dịp để các đơn vị “xốc” lại bộ máy, đánh giá, sàng lọc nhân viên, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lúc này, các doanh nghiệp nghiên cứu việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp cần thiết để chuẩn bị cho sự quay trở lại.

Với tinh thần “trong nguy có cơ”, trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch, ông Tài đã sáng lập và cùng 5 CEO ngành du lịch, liên kết thành lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế Prato (Practical Tourism). Giám đốc điều hành của các công ty du lịch là người trực tiếp đứng lớp để chia sẻ, truyền kinh nghiệm du lịch thực tế cho các học viên là nhân viên, người lao động của chính các công ty du lịch, sinh viên hoặc người ở ngành nghề khác muốn làm du lịch.

Ông Tài cho biết, các khóa học cung cấp những kiến thức thực tế cho học viên như: kỹ năng điều hành tour, kỹ năng xây dựng chương trình tour, kỹ năng đặt các dịch vụ vận chuyển, lưu trú trong tour, kỹ năng làm visa, đặt vé máy bay cho khách... Điều khác biệt của khóa đào tạo du lịch thực tế này là các học viên sẽ được thực hành tại các công ty du lịch và các đơn vị sẽ tổ chức tuyển dụng sau mỗi khóa học. Sau khi bổ sung nguồn nhân lực cho đơn vị mình, các doanh nghiệp lữ hành sẽ tiếp tục mở rộng khóa đào tạo này tới các tỉnh, thành phố khác.

Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát lần thứ 4, khiến hoạt động của Prato cũng bị ảnh hưởng lớn do lực kéo của thị trường. “Khi ngành du lịch đang thất thế, không nhiều người có nhu cầu đi học về du lịch nữa. Lẽ ra, dự kiến ngày 8/5 sẽ khai trương 2 lớp đào tạo, nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp khiến hoạt động bị hoãn lại”, ông Tài cho hay.

Bên cạnh đó, đối tượng học viên của mô hình đào tạo du lịch thực tế đa số là những người mới đi làm hoặc những người đang đi làm nhưng còn thiếu kỹ năng, họ đầu tư học một khóa ngắn hạn để nâng cao năng lực. Nhưng bây giờ khi không còn việc nữa, nhu cầu của các đối tượng này giảm sút rất nhiều. Ngoài ra, đối tượng là sinh viên sắp ra trường hiện học trực tuyến và hầu hết đều về quê nên những khóa đăng ký trong tháng 5 đều được bảo lưu. Do đó, Prato gặp khó khăn trong vấn đề tuyển học viên.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Cơ hội tiềm ẩn của ngành du lịch - khách sạn tại Việt Nam trong đại dịch Covid-19
Diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trong suốt năm 2020 vừa qua đã gây ra hậu quả nặng nề tới kinh tế cả nước nói chung và ngành du lịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư