Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CEO Vietravel Airlines lên tiếng về thông tin vé máy bay tại Việt Nam đang quá cao
Bảo Như - 12/10/2023 09:23
 
Vietravel Airlines, hãng bay do Vietravel (doanh nghiệp hàng đầu về lữ hành) là cổ đông chính cho rằng, ngành hàng không đã có sự phục hồi nhưng các hãng bay vẫn chưa thể có lãi do giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí.
Ông Vũ Đức Biên - Tổng giám đốc Vietravel Airlines.
Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines.

Tại Hội nghị giao ban rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hàng không Việt Nam phục hồi chưa đều. Trong khi thị trường nội địa đang ghi nhận sự tăng trưởng thì thị trường quốc tế vẫn rất khó khăn, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn chưa sôi động trở lại do nước bạn vẫn đang khuyến khích người dân du lịch nội địa.

Đây là lý do khiến đa phần các hãng hàng không vẫn lỗ, thậm chí lỗ rất lớn dù dịch Covid-19 đã cơ bản kết thúc được gần 2 năm.

Giá vé không đủ bù đắp chi phí

Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines chia sẻ mặc dù thị trường quốc tế mở cửa gần như hoàn toàn nhưng các hãng hàng không nội địa của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như giá nhiên liệu leo thang, tỷ giá liên tục thay đổi, điểm nghẽn hạ tầng, tín dụng và các xung đột địa chính trị.

Hạ tầng hàng không nói riêng của Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển nên tình trạng quá tải đang gây áp lực cho việc phục hồi và phát triển của ngành.

Trong những đợt cao điểm như nghỉ lễ, Tết Nguyên Đán, nhu cầu tăng cao nhưng hạ tầng tắc nghẽn khiến cho các hãng hàng không có khách nhưng không thể phục vụ hết công suất được. Các dự án giải quyết tắc nghẽn hạ tầng đã được khởi công như nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Long Thành…, nhưng cũng cần có thời gian để đi vào vận hành và khai thác.

Về mặt tín dụng, qua 2 năm đại dịch, hoạt động kinh doanh đóng băng, không có nguồn thu nhưng vẫn phải phát sinh chi phí duy trì bộ máy, các hãng hàng không đã gần như kiệt quệ tài chính. Hiện nay, tuy tình hình có phục hồi nhưng hãng vẫn gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua.

Ngoài ra, điều mà đại diện ban lãnh đạo Vietravel Airlines nhấn mạnh là các hãng hàng không đang trong tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí. Chính vì vậy bên cạnh việc các hãng hàng không mở bán theo đúng quy định về giá trần thì cũng nên cân nhắc đưa vào áp dụng giá sàn dựa trên mô hình hoạt động của từng hãng hàng không để tạo môi trường cạnh tranh bền vững và các quyền lợi của khách hàng vẫn đảm bảo được đặt lên hàng đầu.

Khác với các lĩnh vực khác, ngoài chi phí xăng dầu, các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ cất cánh tàu bay; phí đậu tàu bay (parking chargers); giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi… tại các cảng hàng không sân bay chiếm khoảng 65 - 80%. Phần định phí chiếm 20 - 35% và tùy theo mỗi hàng, vì vậy để tối ưu chi phí thì khả năng cắt giảm hoặc hiệu quả từ chi phí cũng không thay đổi được quá nhiều.

Ông Vũ Đức Biên cho rằng, “việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về với đi tàu, đi xe là điều không tưởng. Cũng giống như đi du lịch ở khách sạn 5 sao hay khách sạn bình thường, nên có các mức phí khác nhau phù hợp với túi tiền từng khách hàng để doanh nghiệp có thể tồn tại được”.

Ông đánh giá các hãng vận tải hàng không là lõi trung tâm của ngành hàng không nhưng đang dễ bị tổn thương và thiếu ổn định, trong khi phần các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái như cảng hàng không, cửa hàng, dịch vụ suất ăn, dịch vụ phục vụ mặt đất... là phục vụ cho các hãng thì hiệu quả hoạt động khá tốt do các chính sách cơ chế đặc thù. Vậy nên cần một giải pháp đến từ cấp chính phủ trong việc điều tiết ngành hàng không mà trong đó việc tổ chức diễn đàn chuyên đề để cùng nhau đóng góp các ý kiến nhằm tăng hiệu quả cạnh tranh và tính bền vững của lõi ngành vận tải hàng không chính là các hãng vận chuyển.

Có trên 20 tàu bay mới tính đến chuyện có lãi

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng hành khách 9 tháng thông qua các cảng hàng không đạt 89 triệu lượt, tăng 20%; trong đó khách quốc tế đạt 23,7 triệu lượt, tăng 266,8%; khách nội địa 65,2 triệu lượt khác, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2022. Ngược lại, vận tải hàng hóa giảm 15,3% khi đạt 887.500 tấn.

Liên quan đến tình hình "sức khoẻ" của Vietravel Airlines, ông Biên chia sẻ hãng thành lập vào cuối 2020 và có chuyến bay đầu tiên vào đầu 2021.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp gần như ngủ đông nguyên năm 2021, chỉ khai thác được trọn vẹn trong tháng 4/2021. Đó là khó khăn và áp lực lớn cho ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ nhân viên Vietravel Airlines.

Nhờ các giải pháp linh hoạt, hãng đã từng bước gỡ từng nút thắt đi qua từng giai đoạn khó khăn và tìm ra cơ hội tại thị trường hàng không. Đến nay, sau gần 3 năm, Vietravel Airlines đã mở rộng mạng đường bay đến các thành phố lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt và ra cả quốc tế như Bangkok. Hãng cũng thành công thực hiện các chuyến bay charter đến Daegu, Muan (Hàn Quốc), Ma Cao, Tam Á.

Lãnh đạo Vietravel Airlines cho biết, trong tháng 9 vừa qua doanh nghiệp đã chính thức nhận được CCAR-129 từ phía Trung Quốc. CCAR-129 là quy định đảm bảo các nhà khai thác thường xuyên đến Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu về vận hành và an toàn do Cục hàng không Dân dụng Trung Quốc đánh giá. Hiện chỉ có 36 hãng hàng không trên thế giới sở hữu CCAR-129, Vietravel Airlines nằm trong số 2 hãng được cấp trong năm nay.

Đến nay, trong cơ cấu khách của Vietravel Airlines chỉ có 30% chỗ cho khách du lịch (khách theo tour) và 70% khách thương mại. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp đã tăng 48% số chuyến bay và 43% hành khách so với cùng kỳ 2022. Tỷ lệ lấp đầy mỗi chuyến bay lên đến 80-85%.

“Đây là những tiền đề quan trọng để doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong lĩnh vực hàng không”, Ông Biên chia sẻ.

Xét về hiệu quả, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa có lãi, song có tín hiệu tích cực là giảm dần chi phí lỗ so với giai đoạn trước đây. Hiện nay, hãng mới khai thác 3 tàu bay, con số này theo ông Biên là chưa đủ để bù đắp chi phí. Trong kế hoạch phát triển, tùy tiềm lực tài chính và sự phục hồi của thị trường, đến 2025 - 2026, Vietravel Airlines đặt mục tiêu tăng thêm số lượng tàu bay đến 20 tàu bay và nghĩ đến việc cân bằng thu chi, có lãi. 

“Vietravel Airlines đang có kế hoạch tăng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển và tìm kiếm nhà đầu tư đi cùng cho quá trình phát triển trong thời gian tới”, ông Biên thông tin.

Vietravel Airlines sắp đón tàu bay thứ 5
Vietravel Airlines dự kiến thuê 1 tàu bay Airbus A320 từ Cambodia Airways để nâng quy mô đội tàu bay của hãng lên 5 chiếc vào tháng 9/2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư