Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Chấm dứt văn bản quy định “trên trời”
Mạnh Bôn - 20/04/2015 11:41
 
Một loạt văn bản “trên trời” ban hành thời gian gần đây đã gây nhiều bức xúc trong xã hội bởi những quy định xa rời thực tiễn.

Minh chứng cụ thể: đến ngày 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mới có hiệu lực, nhưng tại Kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội buộc phải sửa vì quy định trả bảo hiểm một lần không phù hợp với thực tiễn. Hay Thông tư 06/2015/TT-BTC về việc nâng thuế nhập khẩu xăng dầu được Bộ Tài chính ban hành ngày 20/1/2015, thì ngay ngày hôm sau phải ban hành Thông tư 07/2015/TT-BTC chỉ để… hủy thông tư này.

 

Rõ ràng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, sự phản ứng của dư luận xã hội, chắc chắn những văn bản pháp luật hết sức “trời ơi” khác cũng đã được ban hành, như quy định xe biển số lẻ đi ngày lẻ, xe biển số chẵn đi ngày chẵn; những người ngực lép không được điều khiển phương tiện xe máy; quy định về việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ…   

Những ví dụ trên cho thấy, chất lượng nhiều văn bản pháp luật quá xa rời thực tế, cho dù quy trình xây dựng khá chặt chẽ, như quy định phải điều tra, khảo sát, đánh giá tác động của văn bản sẽ được ban hành hoặc sửa đổi; lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức, nhân dân, đối tượng điều chỉnh.

Không khó để tìm ra nguyên nhân vì sao quy trình ban hành văn bản pháp luật chặt chẽ, nhưng chất lượng không ít văn bản khá thấp, xa rời cuộc sống.

Thứ nhất, trong hồ sơ trình dự thảo văn bản pháp luật bắt buộc phải có báo cáo đánh giá tác động tích cực, tiêu cực của chính sách mới dự kiến ban hành hoặc sửa đổi, nhưng trên thực tế, không ít báo cáo rất sơ sài, thậm chí làm theo kiểu đối phó, vì không đi khảo sát, điều tra thực tế.

Thứ hai, theo quy định, các văn bản pháp luật phải tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp, hội nghề nghiệp. Đây là quy trình vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng văn bản pháp luật, nhưng cũng chỉ thực hiện lấy lệ.

Thứ ba, với nhiều văn bản pháp luật khi xây dựng, ban soạn thảo hầu như không tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh, đặc biệt là ý kiến của doanh nghiệp và các chuyên gia. Ban soạn thảo không thiện chí khiến nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết “quay lưng” với việc xây dựng văn bản pháp luật vì ý kiến, quan điểm của họ hầu như không được ban soạn thảo để tâm và cũng không tổng hợp ý kiến phản biện, ý kiến trái chiều trong hồ sơ trình dự thảo văn bản pháp luật.

Thứ tư, một tài liệu vô cùng quan trọng khác trong hồ sơ trình dự thảo văn bản pháp luật là tổng kết kinh nghiệm của một số nước trên thế giới đã có văn bản pháp luật tương tự mà Việt Nam định xây dựng. Trong nhiều hồ sơ, thay vì học tập kinh nghiệm ở các quốc gia có quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam hoặc có trình độ kinh tế với tương đồng với Việt Nam, ban soạn thảo lại trình kinh nghiệm của những nước có trình độ kinh tế, hệ thống pháp luật quá chênh lệch với Việt Nam như Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sỹ… Thậm chí, một số ban soạn thảo còn không ngần ngại học tập kinh nghiệm của những nước mà nhiều người còn không biết nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, như Guyana, Ecuador, Dominica, Nicaragua, Lithuania, Bolivia…

Thứ năm, chất lượng văn bản pháp luật thấp còn có nguyên nhân là cơ quan soạn thảo thường trình dự án luật ở “phút 89”, khiến đại biểu Quốc hội không có đủ thời gian nghiên cứu, đặc biệt là thời gian đi điều tra, khảo sát, tham vấn ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đối tượng bị điều chỉnh.

Ngoài ra, chất lượng văn bản pháp luật không cao còn do quy trình làm luật. Theo quy định, sau khi ban soạn thảo (thường là bộ, ngành) trình dự án văn bản pháp luật, thì toàn bộ quy trình còn lại được giao cho cơ quan thẩm tra của Quốc hội thực hiện. Vì thế, nhiều đại biểu “ngại” tham gia đóng góp ý kiến trái chiều, ý kiến phản biện hay yêu cầu cơ quan thẩm tra phải giải trình rõ vì sao lại quy định thế này mà không quy định thế khác.

Chất lượng văn bản pháp luật thấp không chỉ ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Quốc hội mất thời gian, công sức và cả tiền bạc để sửa đổi, bổ sung, mà còn làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống luật pháp Việt Nam. Hy vọng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới đây sẽ chấm dứt các quy định “trên trời” của nhiều văn bản pháp luật.

Bình luận bài viết này
  • nam cao 13:09 | 20-04-2015
    Bài báo này rất hay. Hãy lấy nghị định xử phạt các loại xe quá tải ra dòm sơ sẽ thấy lại những quy định trên trời, đang thực hiện. Để thấy người dân, đặc biệt xe tải nhỏ đang bị "khủng hoảng" như thế nào. Quy định trên trời liên tục thay đổi vì nó hết sức tàn nhẫn và thiếu thực tế
  • zxcvvv 13:28 | 20-04-2015
    Vấn đề này rất đúng, nghị định và thông tư cũng như vậy. Ban soạn thảo chỉ muốn làm cho nhanh đúng tiến độ, chất lượng chỉ cần tạm là được rồi. Nhiều người có tâm huyết không muốn tham gia hoặc tham gia nhưng bị bỏ ngoài. Cần phải thay đổi cách thức để nâng cao tính phản biện và chất lượng làm văn bản quy phạm pháp luật. Chứ không nhiều văn bản quy phạm ra đời có những quy định đọc cho vui chứ không thực thi được, chứ chưa nói đến sự chính xác về chuyên môn về kỹ thuật xây dựng vbqppl....
  • Hoa 18:56 | 20-04-2015
    Dưa hấu - vì sao 10 người thắng hàng chục triệu người? Do vai trò hiệp hội quá mờ nhạt. Nhà nước, số người có hạn, không thể sâu sát tất cả mọi thứ được. Không chỉ dưa hấu mà tất cả ngành hàng đều tương tự dưa hấu. Cái này cảnh báo từ lâu mà vẫn không thấy thay đổi!
Xem thêm trên Báo Đầu Tư