Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Chặn đứng tham nhũng
Bá Thư - 27/06/2018 08:15
 
Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội vào đầu tuần này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo nhân dân, dư luận xã hội, bởi lẽ công cuộc phòng, chống tham nhũng - chống “giặc nội xâm” đang ở vào giai đoạn rất nóng bỏng, quyết liệt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phát biểu khai mạc Hội nghị đã khẳng định, Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi Hội nghị kiểm điểm những nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, đánh giá 5 năm từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, mà còn bởi dư luận đang quan tâm xem, “Hội nghị sẽ đi đến kết luận gì? Có tiếp tục làm hay không? Hay làm cho người ta thất vọng?”. Nói cách khác, Hội nghị không chỉ bàn các công việc thiết thực, cụ thể, mà qua đó, còn là một dịp để củng cố niềm tin và kỳ vọng của nhân dân đối với nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

.
.

Có thể nói, chưa bao giờ, công cuộc phòng, chống tham nhũng lại tạo được thế và lực mạnh mẽ như hiện nay.         

Cũng chưa bao giờ, công cuộc phòng, chống tham nhũng lại nhận được sự đồng lòng, ủng hộ, kỳ vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiều như hiện nay. Còn Trung ương đánh giá, kể từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực. 

Đó là chuyển biến về hành lang pháp lý trong phòng, chống tham nhũng, với các chủ trương, các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện. 

Đó là chuyển biến trong nhận thức, trong hành động của các ngành, địa phương, giúp tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đã giảm phần nào. 

Đó là sự chuyển biến trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh sai phạm, kết hợp thu hồi tài sản bất minh hiệu quả hơn. 

Đó là việc các đại án, các dự án thua lỗ, thất thoát kéo dài, các vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước cũng lần lượt được bóc tách, đưa ra ánh sáng, xử lý người vi phạm, kể cả những người giữ cương vị cao, những cá nhân trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật. Điều đó cho thấy tinh thần nói là làm, “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ” trong phòng, chống tham nhũng…

Những kết quả đó chính là nền tảng quan trọng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận để công cuộc phòng, chống tham nhũng tiến thêm một bước nữa, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, tạo động lực để toàn hệ thống chính trị hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Kết quả đó cũng chính là minh chứng cho thấy, những lo ngại về việc nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm chậm sự phát triển là không có cơ sở. Ngược lại, nếu làm tốt, làm hiệu quả, thì công tác này sẽ càng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường mối đoàn kết, thống nhất trong dân.

Song bên cạnh những chuyển biến, những kết quả tích cực, phải thừa nhận công cuộc phòng, chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều khó khăn, phức tạp, cần sự nỗ lực, đồng sức đồng lòng cao hơn nữa của toàn Đảng, toàn dân.

Vẫn còn đó những vụ việc, những vụ án lớn gây hậu quả nghiêm trọng mà dư luận đang trông chờ kết quả điều tra, xét xử nghiêm minh. Vẫn còn đó tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thiếu quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, cơ sở, làm cho hiệu lực, hiệu quả của công tác này chưa thực sự lan tỏa, chuyển biến. Vẫn còn đó tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, “gợi ý, lót tay”, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch để phát triển…

Chính vì thế, trong bối cảnh các chủ trương, hành lang pháp lý đã cơ bản đầy đủ, khi công cuộc phòng, chống tham nhũng đã giành được những kết quả rất đáng khích lệ, thì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, vấn đề còn lại là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, từ đó mới có thể củng cố niềm tin, sự đồng hành của nhân dân trong cuộc đấu tranh gian khó, phức tạp và lâu dài này.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Luật Phòng, chống tham nhũng phải hướng tới tính thực tiễn, khả thi
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư