Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Chặn gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu
Thế Hoàng - 28/04/2025 09:39
 
Kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng xuất khẩu là giải pháp chủ động ứng phó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Việt Nam và các đối tác thương mại, mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.
Để tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào(Ảnh: Đức Thanh)
Để tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào(Ảnh: Đức Thanh)

Siết chặt xuất xứ hàng hóa

Bộ Công thương vừa yêu cầu các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu thắt chặt kiểm soát xuất xứ hàng hóa và nguyên liệu. Động thái này nhằm ngăn chặn việc gian lận xuất xứ, tránh bị kiện phòng vệ tại một số thị trường lớn.

Thời gian gần đây, hàng hóa xuất khẩu của nước ta liên tục bị điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, quốc gia khởi kiện nhiều nhất là Mỹ. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, đến nay đã có khoảng 40 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các thị trường nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam, đáng lo ngại là số vụ bị điều tra ngày càng nhiều.

Trong đó, kể cả thị trường không mua nhiều hàng hóa Việt Nam như Nam Phi cũng khởi kiện sản phẩm lốp xe của nước ta lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Cụ thể, nước này đã cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà họ đang áp dụng với Trung Quốc, với biên độ lên tới 84%. Trước đó, tháng 5/2023, Ủy ban Quản lý quốc tế Nam Phi (ITAC) quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với lốp ô tô, xe buýt và xe tải có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 7,18 - 43,6%.

Để chủ động ứng phó với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ, các doanh nghiệp cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước.

Ngành thép dẫn đầu trong số các ngành hàng xuất khẩu bị kiện phòng vệ thương mại, với gần 80 vụ việc, trong đó có 9 vụ kiện chống lẩn tránh thuế.

Cùng nằm trong nhóm hàng có nguy cơ cao bị kiện lẩn tránh thuế là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ bếp và tủ nhà tắm, ghế sofa có khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đá nhân tạo bằng thạch anh, thép carbon chống ăn mòn, ống thép hộp và ống thép tròn, cán thép dự ứng lực, dây và cáp nhôm, nhôm thanh định hình, pin năng lượng mặt trời, máy giặt dân dụng cỡ lớn, tủ lạnh có ngăn đông ở trên, lốp xe tải và xe khách.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực như giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp sau khi bị áp thuế cao đã không thể xuất khẩu được, hoặc kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút trầm trọng.

Để chủ động ứng phó với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ, các doanh nghiệp cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lưu ý các doanh nghiệp cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hóa. Cùng với đó, ngăn chặn việc chuyển tải hàng hóa để né thuế.

Tính đến cuối năm 2024, quy mô ngoại thương của Việt Nam xấp xỉ 800 tỷ USD, dự báo sẽ sớm đạt mốc 1.000 tỷ USD. Việt Nam đã lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro liên quan đến xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp. Nếu những vấn đề này không được giải quyết sẽ gây tác hại lớn với Việt Nam.

Sớm có nghị định mới về xuất xứ hàng hóa

Thương mại toàn cầu đang bị tác động bởi các chính sách bảo hộ, thông qua việc gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, nhiều quốc gia cũng siết chặt xuất xứ hàng hóa. Trong bối cảnh này, Bộ Công thương đang tiến hành soạn dự thảo nghị định mới để giúp doanh nghiệp ứng phó với xu hướng siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường.

Theo đó, Nghị định 31/2018/NĐ-CP sau 7 năm thực thi đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), hệ thống pháp luật về xuất xứ hàng hóa đã được cụ thể hóa qua 45 văn bản hướng dẫn. Giá trị xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi tăng từ 48,9 tỷ USD (năm 2018) lên mức kỷ lục 99,3 tỷ USD (năm 2024). Nhưng đến nay, cần sửa đổi nghị định này, nhằm cập nhật quy tắc xuất xứ và cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các FTA thế hệ mới.

Cụ thể, cần bổ sung quy trình, thủ tục liên quan đến cấp mã số tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các FTA; hình thức cấp C/O được nâng cấp lên cấp độ toàn trình, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; cơ chế về phân cấp, ủy quyền chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Luật Tổ chức Chính phủ 2025; cụ thể hóa các hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa để có các biện pháp răn đe phù hợp; lưu trữ hồ sơ điện tử...

Việc xây dựng nghị định mới, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, là nhằm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý về xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động.

Doanh nghiệp được khuyến nghị đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường, dẫn đến nguy cơ có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.

Cùng với đó, hệ thống cảnh báo sớm thu thập và phân tích thông tin về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và thị phần của Việt Nam tại thị trường nhập khẩu luôn trong trạng thái được kích hoạt, từ đó đánh giá nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được cập nhật liên tục để thông tin tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa còn nhiều lỗ hổng
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhận định, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa nhiều khả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư