Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chặn làn sóng Covid-19 tại khu công nghiệp
Dương Ngân - 06/06/2021 14:22
 
Từ bài học xương máu của Bắc Giang, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp cần có những giải pháp tích cực để ngăn chặn đại dịch lây lan, bởi nếu lơ là, hậu quả sẽ khó lường.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại KCN Vân Trung.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại KCN Vân Trung.

Nguy cơ hiện hữu

“Hàng xóm” của Bắc Giang là Bắc Ninh hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại 10 khu công nghiệp, với khoảng 400.000 công nhân. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, số khu công nghiệp cũng như công nhân tại tỉnh này cao hơn nhiều Bắc Giang. Nếu dịch bùng phát, tâm chấn có lẽ còn khủng khiếp hơn những gì đang xuất hiện ở Bắc Giang nhiều ngày qua. 

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn cho biết, các doanh nghiệp phải yêu cầu công nhân, người lao động cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của ban quản lý các khu công nghiệp hoặc các cơ quan chức năng giám sát ngoài cổng (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định).

Đồng thời, doanh nghiệp bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Định kỳ mỗi tuần, doanh nghiệp xét nghiệm cho tối thiểu 10% số công nhân viên ở lại nhà máy. Khuyến khích các công nhân ở lại tối thiểu 15 ngày một đợt. Số công nhân khi quay trở về nhà trọ/nơi cư trú được quản lý tương tự trường hợp F2. 

Từ ca Covid-19 đầu tiên tại Công ty TNHH Công nghệ Johnson Health ở Khu công nghiệp Thuận Thành 2 vào ngày 9/5, đến chiều 2/6, Bắc Ninh đã ghi nhận 535 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan tới 4 khu công nghiệp Yên Phong, Thuận Thành 2, Quế Võ, Khắc Niệm.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nếu các khu công nghiệp của Bắc Ninh đóng cửa 14 ngày, sẽ gây thiệt hại cho kinh tế cả nước, đặc biệt là xuất khẩu. Về phía tỉnh Bắc Ninh, việc sản xuất công nghiệp gián đoạn trong 14 ngày có thể khiến GDP của tỉnh giảm khoảng 5%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tại Bắc Ninh có nhiều ổ dịch không rõ đường lây truyền và khả năng xâm nhập từ cộng đồng vào khu công nghiệp rất lớn và hiện hữu. Do vậy, các giải pháp chống dịch cần phải được triển khai khẩn trương, nếu chậm chễ, hậu quả sẽ khó lường.

Tại TP.HCM, với sự xuất hiện và lây lan nhanh của ổ dịch liên quan tới Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, người đứng đầu ngành y tế cũng lo ngại dịch sẽ tấn công vào các khu công nghiệp, bởi ổ dịch này đã trải qua chu kỳ lây nhiễm dài ngày, số lượng tiếp xúc lớn.

Để ngăn chặn dịch lây lan tại các khu công nghiệp, thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã nhiều lần nhắc nhở và có hướng dẫn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp.

Ở giai đoạn hiện tại, khi dịch đã xâm nhập vào một số doanh nghiệp, khu công nghiệp, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, việc cấp bách nhất là tăng tốc xét nghiệm bằng nhiều hình thức như xét nghiệm nhanh, trộn mẫu, xét nghiệm RT-PCR để sớm phát hiện ca bệnh nếu có, từ đó khoanh vùng, dập dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp an toàn trong sản xuất như thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá; khai báo y tế bắt buộc, giãn cách sản xuất, vận chuyển, mở cửa sổ (nếu có) và hạn chế sử dụng điều hòa, vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón người lao động và thực hiện 5K…

Ưu tiên tiêm chủng

Để chặn làn sóng lây lan dịch tại các khu công nghiệp, giải pháp căn bản mà Chính phủ và ngành y tế hướng tới là ưu tiên tiêm vắc-xin sớm nhất cho công nhân các khu công nghiệp. Đây là giải pháp bền vững, an toàn, giúp doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Ngày 1/6, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 15.000 công nhân, người lao động tại Công ty Điện tử Samsung Electronic Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Yên Phong. Trước đó, ngày 27/5, hàng trăm công nhân thuộc Công ty TNHH Funing Precision Component, Tập đoàn KHKT Hồng Hải tại Bắc Ninh hay Công ty Phú Hồng tại Bắc Giang cũng đã được tiêm vắc-xin. Ước tính khoảng 300.000 công nhân của Bắc Giang và Bắc Ninh sẽ được tiêm phòng trong thời gian tới.

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội, TP.HCM cũng cần được ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân, vì đây là hai đầu mối giao thương lớn của cả nước và cũng tập trung nhiều khu công nghiệp.

Ngoài chiến lược tiêm vắc-xin, sự chủ động phòng, chống dịch của doanh nghiệp ở giai đoạn này là rất cần thiết. Đại diện Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu (Khu công nghiệp Quang Châu) cho hay, doanh nghiệp dự định sẽ tái sản xuất với 4 phân xưởng, chia làm 2 ca. “Khi được phép tổ chức lại sản xuất, chúng tôi sẽ cho toàn bộ công nhân ở các khu ký túc xá của Công ty và vận chuyển khép kín bằng xe của Công ty. Đồng thời, chúng tôi cũng ký hợp đồng cung cấp suất ăn từ một doanh nghiệp khác”, đại diện Fuyu nêu.

Theo bà Trần Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Fullwei Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn), để phòng dịch, các nhân viên văn phòng sẽ làm việc online; các xưởng sản xuất lập danh sách những vị trí bắt buộc cho công nhân lưu trú, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng nhà ăn, khu văn phòng làm nơi ở, thuê nhà nghỉ ngoài khu công nghiệp cho công nhân lưu trú và có xe đưa đón, bảo đảm không tiếp xúc với cộng đồng; tổ chức tăng ca bù lại phần lao động thiếu hụt để bảo đảm các đơn hàng.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Bộ Y tế yêu cầu bố trí cách ly theo nhóm nguy cơ tại các khu công nghiệp
Bộ Y tế vừa công bố hướng dẫn cách ly, xét nghiệm Covid-19 với các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư