Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Chặn rủi ro lây lan trong hệ thống tài chính, ngân hàng
Thùy Liên thực hiện - 21/04/2022 13:50
 
GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hệ thống ngân hàng gặp rủi ro khi mạnh tay cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
f
GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông đánh giá như thế nào về sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện nay? 

Trong ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên - Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19” đồng chủ biên sắp công bố tới đây, chúng tôi nhận định, khu vực ngân hàng những năm vừa qua đã có những kết quả tốt: Hệ thống ngân hàng phát triển ổn định; hầu hết các ngân hàng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II; gia tăng trích lập dự phòng rủi ro; thanh khoản dồi dào; hiệu quả kinh doanh được nâng cao…

Tuy nhiên, khu vực này đang xuất hiện một số rủi ro bất ổn.

Thứ nhất, mức độ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đang bị đe dọa bởi sự suy giảm chất lượng tài sản và danh mục tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro từ năm 2020. Kể từ khi có dịch bệnh, tỷ lệ CAR đang bị sụt giảm.

Thứ hai, nợ xấu có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, có thể gây rủi ro cho hệ thống. Nợ xấu nội bảng năm 2021 ở mức 1,9%, tăng 0,21% so với 2020; nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC chưa xử lý là 3,79%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn đã được cơ cấu theo Thông tư 01, 03 và 14 vào khoảng 8,2%.

Trong khi đó, chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ kéo dài đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn cũng như tạm thời không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng, sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống trong trung hạn.

Thứ ba, cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh chóng. Tỷ lệ tín dụng bán lẻ chiếm 42% tổng dư nợ, tập trung vào cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô. Sự nóng lên của các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán là một phần lý do thúc đẩy tín dụng bán lẻ tăng cao.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá lớn. Các trái phiếu tiềm ẩn rủi ro cao do chủ yếu là của các doanh nghiệp bất động sản, với tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo tương đối cao, trong đó có nhiều doanh nghiệp không niêm yết.

Thứ tư, các khoản phải thu, lãi dự thu của các ngân hàng ở mức cao. Các khoản phải thu của các ngân hàng tăng từ 17%-347%, lãi dự thu đạt mức 1,5% tổng dư nợ. Các khoản phải thu và lãi dự thu nhiều trường hợp là các khoản nợ xấu, nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ theo quy định hiện hành hoặc của các khoản nợ mà ngân hàng cố tình không chuyển nhóm nợ và thoái lãi dự thu…  

Đâu là nguyên nhân dẫn tới những rủi ro này, theo ông?

Nguyên nhân thứ nhất là khung pháp lý vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là các quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, các quy định về an toàn an ninh mạng; công cuộc chuyển đổi số trong quản lý điều hành còn tương đối chậm chạp; sự phối kết hợp giữa các bộ ngành trong điều hành chính sách đôi khi còn chưa hiệu quả.

Thứ hai là các nguyên nhân thuộc về các tổ chức tín dụng: vẫn còn tình trạng một số ngân hàng chưa áp dụng được theo tiêu chuẩn Basel II; chiến lược chuyển đổi số chưa được thực hiện mạnh mẽ, vẫn còn yếu tố “ỳ” ở một số ngân hàng sở hữu nhà nước và ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ; công tác quản trị rủi ro ở một số ngân hàng còn chưa chuyên nghiệp, gây ra nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho không chỉ ngân hàng đó mà cho cả hệ thống.

Để khắc phục những rủi ro này, đảm bảo lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, theo ông, Ngân hàng Nhà nước cần phải làm gì?

Thứ nhất, cần phát triển thị trường ngân hàng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng như Basel III, IFRS 9.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay sâu và đại trà bằng thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi có chọn lọc với 2 điểm khác biệt: có sự tham gia của ngân sách Nhà nước và tập trung vào các ngành kinh tế có tính lan tỏa cao.

Thứ ba Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ.

Thứ tư, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường xử lý nợ xấu, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống. Luật hóa Nghị quyết 42, rà soát toàn diện các luật khác có liên quan tới xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Để thị trường ngân hàng phát triển bền vững, việc tạo điều kiện thúc đẩy thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, cần ứng xử như thế nào với các thị trường này?

Đúng vậy, cần phải phát triển mạnh mẽ thị trường vốn hơn nữa.

Trước hết, cần phải tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, trở thành kênh cung ứng vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế, giảm gánh nặng cho khu vực ngân hàng.

Thứ hai, tăng quy mô thị trường cổ phiếu và đa dạng hoá sản phẩm chứng khoán thông qua các giải pháp tăng số lượng, chất lượng hàng hoá, thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ ba, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính để kịp thời phát hiện các rủi ro phát sinh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ tư, tập trung chiến lược cho phát triển các nhà đầu tư có tổ chức thông qua việc mở rộng quy mô và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư. Chú trọng đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý tội phạm trên thị trường chứng khoán. Tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thứ năm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường chứng khoán theo thông lệ quốc tế, phấn đấu được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi theo cả MSCI và FTSE Rusell trước năm 2025.

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro hệ thống (systemic risk) nhằm đảm bảo tính ổn định cho toàn thị trường.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường năng lực giám sát, quản lý, cưỡng chế và thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, việc đầu tiên cần làm là phải xem xét trái phiếu doanh nghiệp bất động sản như một khoản nợ bất động sản chuẩn, áp dụng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) bắt buộc với mọi định chế (gồm cả công ty chứng khoán, quỹ…) nắm giữ loại giấy tờ có giá này. 

Tiếp đến, cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống theo hướng loại bỏ mọi mọi xung đột lợi ích trên thị trường. Quy định rõ tổ chức, định chế nào được tư vấn, tổ chức nào được xếp hạng tín nhiệm, tổ chức nào được mua bán sản phẩm nợ. Mỗi khâu trên thị trường nợ cần được đảm bảo không có xung đột lợi ích, các định chế tham gia độc lập; điều này sẽ làm giảm khả năng thị trường nợ bị thao túng, đảm bảo duy trì lành mạnh cho hệ thống.

Siết trái phiếu doanh nghiệp: Nên có lộ trình, không để doanh nghiệp đứt gãy nguồn vốn
Tín dụng bị “phanh”, trái phiếu doanh nghiệp bị siết, hàng loạt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản lao đao tìm vốn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư