Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Chấp chới” kế hoạch nâng đời của Vietravel Airlines
Anh Minh - 17/04/2023 08:35
 
Có khá nhiều điểm cấn cá liên quan đến kế hoạch mở rộng quy mô đội tàu bay, tăng vốn điều lệ gấp 11,78 lần của “tân binh” trong ngành vận tải hàng không - Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Làm rõ năng lực tài chính

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 3247/BGTVT - VT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Dự án).

Đây là Bộ cuối cùng gửi ý kiến về cơ quan chủ trì thẩm định và cũng là những góp ý mang tính quyết định về mặt chuyên môn đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, do Vietravel Airlines đệ trình vào đầu tháng 10/2022.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 457/QĐ-TTg ngày 3/4/2020 (Quyết định 457). Nhà đầu tư đã đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định 457, trong đó, đáng kể nhất là việc tăng tổng vốn đầu tư từ 700 tỷ đồng lên 8.250 tỷ đồng (tăng tới 11,78 lần).

Được biết, một trong những nội dung trong đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xuất hiện nhiều điểm cấn cá chính là năng lực tài chính của nhà đầu tư Vietravel Airlines.

Theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư ngày 10/10/2022 của nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư của dự án điều chỉnh là 8.250 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư; được chia ra thành 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 là 7.640 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư năm 2020 là 700 tỷ đồng, năm 2021 là 1.300 tỷ đồng và năm 2025 là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư. Giai đoạn 2026-2030 là 8.250 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.

Tại Công văn số 3247, Bộ GTVT cho biết, thời gian vừa qua, Vietravel Airlines còn gặp khó khăn về dòng tiền để đảm bảo hoạt động và giảm tỷ lệ công nợ còn tồn đọng đối với một số đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không.

“Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến các bộ, ngành chức năng liên quan về tính khả thi và hợp pháp của nguồn vốn đầu tư cho Dự án”, Công văn số 3247 nêu rõ.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào đầu tháng 2/2023, trước việc hãng bay non trẻ này liên tục chậm thanh toán chi phí nhiên liệu, Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) đã phải phát văn bản yêu cầu Vietravel (công ty mẹ của Vietravel Airlines) phải nâng hạn mức bảo lãnh ngân hàng tại hợp đồng giữa hai bên lên mức 50 tỷ đồng và Skypec chỉ tiến hành tra nạp nhiên liệu trong phạm vi số tiền mà Vietravel thanh toán trước hàng ngày cùng với khoản tiền 1 tỷ đồng/ngày để cấn trừ vào nợ quá hạn, áp dụng từ ngày 7/2/2023.

Skypec khẳng định, trong trường hợp Vietravel tiếp tục vi phạm hợp đồng thanh toán và để khoản nợ vượt quá hạn mức bảo lãnh theo hợp đồng, thì đơn vị cung ứng nhiên liệu bay sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ cho các chuyến bay của Vietravel.

Ngoài Skypec, Công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cũng đã yêu cầu Vietravel phải thanh toán trước khoản phí dịch vụ tương ứng 7-10 ngày khai thác. Đồng thời, trong thời gian này phải giảm công nợ xuống dưới 10 tỷ đồng, tăng mức bảo lãnh ngân hàng của Vietravel lên 20 tỷ đồng.

Hiện khoản nợ lớn nhất của Vietravel Airlines là đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV). Tính đến ngày 2/3/2023, Vietravel Airlines đang nợ đơn vị khai thác 22 cảng hàng không trên toàn quốc gần 120 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ quá hạn là 109,9 tỷ đồng; tổng nợ đến hạn thanh toán là 9,1 tỷ đồng.

Trước đó, trong Công văn số 942/BTC - ĐT tham gia ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng, tổng vốn đầu tư cả 2 giai đoạn theo báo cáo là 15.890 tỷ đồng là chưa thống nhất so với tổng vốn đề xuất là 8.250 tỷ đồng.

Đồng thời, theo báo cáo, nhà đầu tư đã hoàn tất việc góp vốn 2.000 tỷ đồng (năm 2020 là 700 tỷ đồng, năm 2021 là 1.300 tỷ đồng), vượt tổng vốn đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 457 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư giải trình làm rõ các nội dung nêu trên; đồng thời xem xét lại phân kỳ đầu tư đảm bảo tiến độ thực tế.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo tài chính năm 2021 (đã được kiểm toán), tại Bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2021, vốn góp chủ sở hữu là 861,7 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là -438,3 tỷ đồng).

Theo Báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét cho kỳ tài chính 6 tháng kết thúc vào ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu là 594,4 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là -705,6 tỷ đồng).

“Như vậy, căn cứ theo các báo cáo tài chính trên, vốn góp của nhà đầu tư chưa đảm bảo, đồng thời hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư đang không hiệu quả, nên phần lợi nhuận để lại để tái đầu tư là không có cơ sở”, Bộ Tài chính đánh giá.

Cân nhắc kỹ việc nới quy mô đội bay

Trả lời báo chí về đề xuất lộ trình tăng quy mô, tăng vốn khủng của Vietravel Airlines, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, đề xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của Hãng, trong đó chủ yếu giúp tăng quy mô đội tàu bay.

“Đối với một hãng hàng không mới, đầu tư phát triển đội tàu bay là nhu cầu tất yếu để tồn tại và phát triển. Chỉ khi sở hữu đội tàu bay đủ lớn, doanh nghiệp mới có thể có lãi”, ông Kỳ giải thích về việc xin Chính phủ cho tăng vốn và quy mô đội tàu bay.

Theo Chủ tịch Vietravel Airlines, giai đoạn vừa qua, do Covid-19 và quy mô đội bay còn nhỏ, Hãng vẫn chưa thể có lãi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng muốn nhanh chóng tăng đội tàu bay để đón đầu nhu cầu vận tải hàng không, du lịch sau 2 năm đại dịch.

Nhận định trên của lãnh đạo Vietravel Airlines là khá tương đồng với đánh giá về toàn cảnh thị trường của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông.

Cụ thể, tại Công văn số 3247, Bộ GTVT cho biết, theo dự báo, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đạt gần 80 triệu lượt khách vào cuối năm 2023, xấp xỉ mức vận chuyển năm 2019.

Tuy nhiên, vận chuyển quốc tế vẫn hồi phục tương đối chậm, năm 2022 chỉ bằng khoảng 27% so với năm 2019 và phải đến cuối năm 2023, đầu năm 2024 mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Giai đoạn 2025-2030, thị trường sẽ tăng trưởng trở lại trung bình 12-15%/năm để đạt mức 140 triệu lượt khách vận chuyển vào năm 2028 và 180 triệu lượt khách vận chuyển vào năm 2030.

Vì vậy, Bộ GTVT khuyến nghị Vietravel Airlines cần nghiên cứu kỹ thị trường, thực hiện việc tăng quy mô đội tàu bay phù hợp với tốc độ tăng trưởng nhu cầu của thị trường.

Theo đề xuất Dự án điều chỉnh, Vietravel Airlines dự kiến phát triển đội bay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 25 tàu bay và giai đoạn 2026 - 2030 là 50 tàu bay. Hãng bổ sung 3 tàu bay trong năm 2022 và 6 tàu bay vào năm 2023. Tuy nhiên, theo thực tế triển khai, hiện nay, Vietravel mới chỉ có tổng cộng 3 tàu bay thuê khô (A321) nằm trong Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay. Do đó, Bộ GTVT đánh giá kế hoạch bổ sung tàu bay cho 2 giai đoạn này của Vietravel Airlines là chưa phù hợp với thực tế.

Tương tự, về kế hoạch bổ sung, sử dụng nhân lực lao động cho giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể, kế hoạch bổ sung 28 phi công trong năm 2021, 66 phi công trong năm 2022, 132 phi công trong năm 2023 và tiếp diễn đến năm 2030 cũng khác so với thực tế Hãng đang triển khai. 

Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đảm nhiệm công tác bảo dưỡng tàu bay, đảm bảo an toàn, kỹ thuật hàng không đang trở nên khan hiếm, Vietravel cần có kế hoạch chi tiết để có thể tiếp cận và thu hút được nguồn nhân lực này.

Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, về tổng thể, với số lượng nhân lực hàng không (phi công, tiếp viên, kỹ thuật, khai thác mặt đất...) của Hãng dự kiến để đáp ứng việc mở rộng hoạt động theo như nội dung được thể hiện trong hồ sơ đề xuất điều chỉnh dự án, Hãng có thể đảm bảo được việc khai thác khi tăng quy mô đội tàu bay như đề xuất.

“Vietravel Airlines cần xây dựng và cập nhật lại kế hoạch với lộ trình, số lượng cụ thể, kế hoạch nhân lực theo từng giai đoạn nhận và khai thác tàu bay, để đảm bảo kiểm soát được đầy đủ số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và tính khả thi trong việc thu hút nguồn lực”, Bộ GTVT khuyến nghị.

Ba đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư của Vietravel Airlines

- Nội dung điều chỉnh số 1 - tên nhà đầu tư: Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam được đề nghị sửa thành: Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam.

 - Nội dung điều chỉnh số 2 - quy mô dự án: Số tàu bay khai thác năm đầu tiên là 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay, chủng loại là Airbus/Boeing hoặc tương đương được đề nghị sửa thành: số tàu bay khai thác năm đầu tiên là 3 tàu bay, tăng dần đến năm 2025 khai thác 25 tàu bay, đến năm 2030 là 50 tàu bay và sau năm 2030 được phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường; chủng loại là Airbus/Boeing hoặc tương đương.

 - Nội dung điều chỉnh số 3 - vốn đầu tư thực hiện dự án: Tổng vốn đầu tư của dự án là 700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư được đề nghị sửa thành: Tổng vốn đầu tư của dự án là 8.250 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.

Vietravel đã bán hơn 55,5% vốn Vietravel Airlines
Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) vừa công bố thông tin về việc chuyển nhượng 55,58% vốn tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư