Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Chất Hà thành trong chương trình "Hà Nội - Bản hùng ca phố"
Nhật Hạ - 11/10/2024 07:26
 
Chất Hà thành ngập tràn trong chương trình nghệ thuật chính luận "Hà Nội - Bản hùng ca phố" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Tối 10/10, tại Khu Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận "Hà Nội - Bản hùng ca phố" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Chất Hà thành ngập tràn trong chương trình nghệ thuật chính luận "Hà Nội - Bản hùng ca phố" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, mang đến sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và trình diễn công nghệ hiện đại 3D mapping; xen kẽ các phóng sự, phỏng vấn nhân chứng lịch sử nhằm tái hiện chặng đường hào hùng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; nhấn mạnh chủ đề tuyên truyền kỷ niệm: “Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người - Nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý, tiêu biểu của dân tộc”.

Ban Tổ chức đã lựa chọn Hoàng thành Thăng Long để tổ chức chương trình, bởi đây là nơi có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi đã diễn ra Lễ Chào cờ đầu tiên của Thủ đô sau ngày Giải phóng, lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến 36 phố phường. Trong nghìn năm lịch sử của Thủ đô, người người về đây dựng nên phố. Phố góp phần làm nên hồn cốt, làm nên “chất Hà Nội” trong mỗi con người từng sinh ra hay có thời gian gắn bó với mảnh đất thủ đô. Có lẽ không có thành phố nào trên thế giới lại có nhiều bài hát ngợi ca như Hà Nội của chúng ta. 

"Hà Nội - Bản hùng ca phố" với âm nhạc và những câu chuyện, sẽ gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử anh dũng mà hào hoa của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hoà bình, sáng tạo và phát huy nét văn hoá của Hà Nội phố, để Hà Nội xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, thủ đô của đất nước Việt Nam đang vươn mình bước vào kỉ nguyên mới.

Tại chương trình, phóng sự "Âm mưu của Pháp và tình hình căng thẳng năm 1946” đã tái hiện một cách sống động và đầy kịch tính những diễn biến căng thẳng trước thềm cuộc kháng chiến chống Pháp. Thông qua việc khai thác các tài liệu lưu trữ tại Pháp và phỏng vấn các chuyên gia quốc tế, phóng sự đã vạch trần âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp ngay từ đầu năm 1946. Đối lập với những toan tính của Pháp là nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm duy trì hòa bình. 

Tuy nhiên, mọi nỗ lực ngoại giao đều trở nên vô nghĩa trước quyết tâm tái chiếm của thực dân Pháp. Đỉnh điểm của căng thẳng là vụ thảm sát dân thường tại phố Hàng Bún và Yên Ninh vào sáng 17/12/1946, đánh dấu thời khắc bùng nổ cuộc kháng chiến 9 năm đẫm máu. Với nhịp điệu dồn dập và những chi tiết lịch sử sống động, phóng sự đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về những ngày cuối cùng của hòa bình tại Hà Nội, làm nổi bật tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ độc lập của nhân dân Việt Nam.

Trong không gian trang nghiêm của Hoàng Thành Thăng Long, tiếng đàn nhị và giọng xẩm của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng nhóm Xẩm Hà Thành bỗng vang lên, xé tan bầu không khí căng thẳng. Lời ca do nhạc sĩ Lê Thế Song sáng tác đã khéo léo tái hiện những khoảnh khắc đau thương và hào hùng của Hà Nội năm 1946.

Xen kẽ với tiếng hát xẩm là những đoạn phóng sự ngắn, tái hiện diễn biến lịch sử: từ tối hậu thư của tướng Morlière đến quyết định kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và khoảnh khắc 20 giờ ngày 19/12/1946 - thời khắc Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Chương trình kết thúc bằng trích đoạn đầy cảm xúc từ "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tinh thần quyết tâm, ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam.

Sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc truyền thống, kỹ thuật trình diễn hiện đại và tư liệu lịch sử đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đa chiều, làm sống lại không khí Hà Nội 70 năm trước, đồng thời khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong lòng khán giả hiện đại.

Phóng sự về Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô và câu chuyện về Những ngày cuối bám trụ Thủ đô đã tái hiện một cách sống động và đầy xúc động về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày kháng chiến. Qua lời kể của các nhân chứng và phân tích của chuyên gia, khán giả được hiểu rõ hơn về vai trò quyết định của cuộc chiến này đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Những đoàn người tản cư, những chuyến xe chở máy móc, thiết bị quý giá rời khỏi thành phố với 63.000 đồng bào miền xuôi được sơ tán và 40.000 tấn máy móc, thiết bị được di chuyển an toàn.

Điểm nhấn của phóng sự là lời kể xúc động của NSƯT Phùng Đệ, khi đó chỉ là một vệ út 13 tuổi. Ông kể lại những ngày cuối cùng ở Hà Nội, chỉ còn 20 viên đạn mỗi người, lương thực chỉ đủ cho 5 ngày. Nhưng không ai muốn rời đi và sẵn sàng ở lại chết vì Hà Nội.

Lá thư của Bác Hồ gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô vào mùa xuân 1947 được trích đọc, càng làm tăng thêm cảm xúc cho khán giả. Những lời căn dặn ân cần của Người như vẫn vang vọng đến tận hôm nay.

Phóng sự kết thúc bằng hình ảnh đêm 17/12, với câu kết đầy ấn tượng: "Tối 17/12, hôm đó trời tối đen như mực và mưa rét", gợi lên tinh thần kiên cường, bất khuất của quân dân Thủ đô trong những giờ phút lịch sử.

Trải nghiệm miễn phí xe bus 2 tầng trong ngày kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các đơn vị tiếp tục tổ chức chương trình trải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư