Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
“Chạy nước rút” chuẩn bị hàng Tết
Tạ Hồng - 17/12/2019 13:33
 
Các doanh nghiệp đang “chạy nước rút” chuẩn bị hàng hoá cung ứng dịp Tết Canh Tý 2020, với sản lượng tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị đủ lượng hàng phục vụ Tết Canh Tý với cam kết không tăng giá. Ảnh: Đức Thanh
Các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị đủ lượng hàng phục vụ Tết Canh Tý với cam kết không tăng giá. Ảnh: Đức Thanh

Cam kết không tăng giá

Đại diện Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho biết, để chuẩn bị cho thị trường tiêu dùng Tết Canh Tý, Công ty đã khởi động từ 6 tháng trước.

Dự kiến, Sài Gòn Food đưa ra tiêu thụ hơn 2.000 tấn hàng hoá thành phẩm dịp Tết. Ngoài những sản phẩm đã có mặt trên thị trường, năm nay đơn vị này tung ra nhiều sản phẩm mới như hộp quà tặng bánh chưng được làm từ nếp cái hoa vàng, chả mực, nhóm sản phẩm tiệc như lẩu tết…

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, tổng sản lượng hàng hoá sản xuất vào mùa Tết 2020 tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị cam kết sẽ không tăng giá dịp Tết.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Ba Huân cũng cam kết sẽ không tăng giá bán sản phẩm trong mùa Tết 2020, với sản lượng dự kiến đưa ra thị trường tăng khoảng 20% so với Tết năm ngoái.

“Chúng tôi đảm bảo cung ứng ra thị trường hơn 1 triệu quả trứng mỗi ngày, hơn 20.000 con gà thịt trong dịp Tết 2020. Ngoài ra, sẽ cho ra mắt một số sản phẩm mới như trứng dinh dưỡng, xúc xích gà, lạp xường gà… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty Ba Huân cho biết.

Với các công ty bánh kẹo, Tết là thời điểm tiêu thụ quan trọng nhất trong năm, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng từ cuối quý I, chẳng hạn Công ty cổ phần Bibica đã chuẩn bị hàng từ hồi tháng 3.

Đại diện Bibica thông tin, Tết năm 2020, Bibica chuẩn bị trên 3.000 tấn bánh, kẹo các loại, ước tăng khoảng 20% so với mùa Tết năm 2019. Tháng 10/2019, Bibica đã đưa vào hoạt động một nhà máy mới tại Long An và ra mắt thêm 2 sản phẩm, góp phần tăng năng lực sản xuất cho công ty.

Với sản phẩm Tết, đại diện Bibica tự tin có lợi thế vì đa dạng chủng loại, từ bánh bông lan đến kẹo, cookie… phù hợp cả mua về dùng lẫn biếu tặng. Ngoài chất lượng, thì mẫu mã cũng được doanh nghiệp chú trọng. “Bánh kẹo ngoài dùng để tiếp khách, còn để bày cúng trên bàn thờ, nên Bibica tập trung rất nhiều vào bao bì. Chúng tôi có nhiều sản phẩm gắn với ý nghĩa Tết như bộ sản phẩm năm chuột vàng - Canh Tý 2020, hay các sản phẩm mang lời chúc như mã đáo thành công, thuận buồm xuôi gió, đáp ứng nhu cầu khách hàng mong muốn”, đại diện Bibica nói.

Lường trước giá thực phẩm diễn biến bất thường

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước, gần đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài để cân đối cung - cầu, đặc biệt đảm bảo cung trong trong dịp Tết, với nhu cầu tăng khoảng 30%/ngày.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn hiện tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung tuần tháng 12/2019, giá thịt lợn hơi ở nhiều nơi đã tiến sát mức 90.000 đồng/kg. Dự kiến, các tháng áp Tết, tổng nhu cầu khoảng trên 600.000 tấn, trong khi tổng nguồn cung chỉ khoảng 400.000 tấn.

Lường trước tình hình này từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi dần lan rộng, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu từ trang trại đang nuôi cũng như nhập khẩu. Công ty đã chuẩn bị sản xuất các sản phẩm chế biến từ tháng 6, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết, với nguồn hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả ổn định.

Theo đó, Vissan chuẩn bị trên 7.500 tấn hàng hóa, trị giá 800 tỷ đồng, gồm 2.500 tấn thịt tươi sống lợn, bò (tăng 5% so với cùng kỳ), 5.000 tấn thực phẩm chế biến (tăng 17% so với năm trước).

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, khó có thể dự đoán chính xác mức tăng giá thịt lợn trong dịp Tết 2020. Tuy nhiên, trước mắt, nguồn cung vẫn đủ cho tiêu thụ nội địa. Đơn vị cũng đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp lớn, cam kết đủ lượng hàng cho thị trường gồm 1.200-1.500 con lợn cho ngày thường và gấp đôi số đó cho những ngày cao điểm.

“Ngoài sản phẩm truyền thống, Vissan sẽ cung cấp sản phẩm thịt lợn đông lạnh, đóng gói trọng lượng 1-2 kg để đáp ứng thị trường khi giá thịt lợn biến động”, ông Phú nói.

Một doanh nghiệp sản xuất xúc xích khác là Công ty cổ phần Thực phẩm gia đình Anco dự báo, sản lượng sản xuất cuối năm tăng khoảng 10% so với các tháng khác.

Theo ông Hứa Cao Trí, Giám đốc điều hành Anco, thách thức nhất trong chuỗi cung ứng sản xuất hàng hoá năm nay nằm ở giá nguyên liệu tăng rất cao. Giá lợn hơi cùng kỳ năm 2018 ở khu vực phía Nam từ 44.000 - 58.000 đồng/kg, thì hiện nay đã tăng hơn 30%, giá gà lông cũng tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Giá ức gà phi lê cùng kỳ năm ngoái cao nhất chỉ khoảng 52.000 đồng/kg, thì hiện đã là 70.000 đồng/kg, chưa kể nhiều đơn vị cung ứng từ chối cung cấp vì không có nguồn hàng.

Dù tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng đại diện Anco khẳng định sẽ không tăng giá vào dịp Tết.

Theo Sở Công thương TP.HCM, để phục vụ cho 2 tháng Tết Canh Tý 2020, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 19.027 tỷ đồng hàng hóa, tăng gần 603 tỷ đồng so với Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng có sự chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20-53% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (53%), trứng gia cầm (49%), thực phẩm chế biến (28%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27%), gạo (31%)...
Hà Nội cải tạo 46 công trình giao thông phục vụ Tết Canh Tý 2020
Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiến hành thi công cải tạo, sửa chữa 46 công trình hạ tầng giao thông để bảo đảm an toàn, giảm ùn tắc giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư