Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Chênh lệch lãi vay khiến các nhà đầu tư dự án BOT nản lòng
Duy Bắc - 23/06/2023 08:57
 
Doanh nghiệp dự án BOT đang phải bù lỗ chênh lệch do trần lãi suất huy động vốn chưa sát thực tế.

Cơ chế trần lãi suất huy động chưa sát

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thu hút các công ty đa quốc gia đặt nhà máy sản xuất nhờ lợi thế nhân công giá rẻ, giá thuê cơ sở hạ tầng thấp so với khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế sẵn có, thì có một trở ngại thu hút vốn FDI đầu tư là chi phí logistics và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, điều này là một trở ngại lớn cần sớm được tháo gỡ.

Hiểu được tầm quan trọng của đầu tư cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ từ Bắc tới Nam, triển khai các dự án cao tốc, các dự án vành đai, dự án kết nối… với quyết tâm Việt Nam sẽ là điểm sáng thu hút các doanh nghiệp FDI trong khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đến năm 2030 của Việt Nam dự kiến lên tới 900.0000 tỷ đồng, đây là nhu cầu tương đối lớn nên cần phải huy động mọi nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trong bối cảnh này, việc triển khai đồng loạt các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng BOT để huy động nguồn vốn xã hội cùng tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT để phát triển cơ sở hạ tầng đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế xác định lãi suất vốn vay, điều này đã và đang ảnh hưởng tới hàng loạt nhà đầu tư và hệ quả là nguy cơ thua lỗ kéo dài nếu không được tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Cầu Văn Úc - cầu lớn nhất của Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình
Cầu Văn Úc - cầu lớn nhất của Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình.

Đơn cử, tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo phương thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng BOT với tổng chiều dài 29,7 km, tổng vốn đầu tư 3.768 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 720 tỷ đồng, vốn BOT là 3.038 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng, còn lại là vốn vay).

Dự án gặp vướng mắc rất lớn về mức lãi suất mà nhà đầu tư phải thanh toán cho bên cho vay so với mức trần lãi suất vay theo quy định của Thông tư số 55/2016/TT-BTC, 75/2017/TT-BTC và số 30/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính (khống chế không quá 1,5 lần mức bình quân của lãi suất trái phiếu Chính phủ). Sự chênh lệch lớn (từ 5-6%) giữa lãi suất thực tế vay và lãi suất do quy định khống chế này, nếu Nhà đầu tư tiếp tục triển khai Dự án trong khi không được giải quyết cho điều chỉnh lãi suất vốn vay, Nhà đầu tư ước tính khoản chênh lệch lãi vay trong thời gian xây dựng và khai thác khoảng trên 1.700 tỷ đồng.

Để tháo gỡ bất cập liên quan đến quy định về lãi suất vốn vay này cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng BOT, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 88/2018/TT-BTC và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP. Theo Nghị định và Thông tư này, lãi suất vốn vay áp dụng cho dự án BOT đã được mở rộng theo hướng không còn quy định khống chế mức lãi suất vay hợp lý như quy định của thời kỳ trước, lãi suất vốn vay được xác định theo lãi suất trên thị trường trên cơ sở tham khảo lãi suất trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại.

Đây là quy định mới phù hợp với tình hình thực tế thực hiện và tạo điều kiện phát triển cho các dự án BOT. Tuy nhiên, quy định chuyển tiếp đối với các hợp đồng dự án đã ký trước ngày Nghị định, Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo hợp đồng dự án đã gây lúng túng cho cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng, đặc biệt là đối với những hợp đồng BOT đã có điều khoản quy định được áp dụng khi có quy định sửa đổi, bổ sung có liên quan. Đồng thời, quy định này được xem là gây bất lợi, khó khăn và không tạo bình đẳng cho các dự án có hợp đồng dự án ký trước ngày các Nghị định, Thông tư này có hiệu lực.

Tại Hợp đồng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã quy định khi có các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan thì sẽ áp dụng theo văn bản mới. Như vậy, nếu áp dụng theo Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư dự án có thể tính lãi suất huy động dựa trên lãi suất bình quân của ba ngân hàng.

“Chênh lệch lãi suất trung bình là 5%-6%, nhà đầu tư vay trên 2.000 tỷ đồng để triển khai dự án, cứ càng làm thì chênh lệch lãi vay càng lớn”, nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo phương thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng BOT bộc bạch do lãi suất quy định thấp hơn so với lãi suất thực tế huy động của Nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nản lòng

Việc càng làm, chênh lệch lãi vay càng lớn và có nguy cơ âm vốn chủ sở hữu đã buộc các nhà đầu tư mặc dù có quyết tâm, có kinh nghiệm nhưng do vướng mắc về lãi vay chưa được giải quyết đã khiến dự án bị chậm tiến độ và kéo dài.

Tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo phương thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng BOT, Dự án có thể hoàn thành trong vòng 1 năm tới (khoảng tháng 6/2024). Tuy nhiên, nếu cơ chế không được tháo gỡ, dự án có nguy cơ tạm dừng, không thể tiếp tục triển khai và phải tất toán hợp đồng.

Nếu trường hợp xấu xảy ra phải chấm dứt hợp đồng trước hạn. Khi đó, phải thực hiện hàng loạt các thủ tục pháp lý rất phức tạp để xử lý, mất rất nhiều thời gian của các cơ quan liên quan để chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư. Đồng thời, Cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức lập lại tổng mức đầu tư áp dụng lãi suất vốn vay theo quy định mới nhất (hiện tại là Nghị định số 28/2021/NĐ-CP), phải tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư Dự án.

Như vậy, phải chăng nếu tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư đang triển khai dự án, điều này sẽ giúp Dự án tiếp tục triển khai và có thể bàn giao ngay trong tháng 6/2024 và không phải mất thêm thời gian để xử lý thủ tục pháp lý phức tạp và tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư.

Theo tìm hiểu, ước tính, nếu Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Thành phố Hải Phòng và  9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình hoàn thành sẽ là cầu nối cho các tỉnh mà nó đi qua, đồng thời kết nối được giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ và không làm ảnh hưởng hưởng đến mục tiêu hoàn thành các công trình, dự án quan trọng quốc gia. Dự án này góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả việc sử dụng tài nguyên biển đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế các khu vực và là điểm sáng để thu hút vốn FDI trong khu vực nhờ kết nối hạ tầng đồng bộ.

Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xem xét xử lý kiến nghị của nhà đầu tư và nhà đầu tư hiểu rằng vấn đề này liên quan đến quy định chính sách nên không thể xử lý nhanh chóng. Nhà đầu tư đang rất kỳ vọng sự vào cuộc từ cơ quan liên quan sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là vướng ở đâu gỡ ngay ở đó, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Nếu được áp dụng chính sách tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư không được hưởng bất cứ lợi ích gì, mà chỉ giúp nhà đầu tư không phải bù chênh lệch lãi vay. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư cũng không có nguồn nào để bù trong bối cảnh doanh thu của nhiều dự án rất thấp như thời gian qua.

Tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện vướng mắc, bất cập của các dự án BOT giao thông
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức tổng kết, đánh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư