Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chỉ 50 doanh nghiệp đăng ký nhận hỗ trợ qua Sở Du lịch TP.HCM
Hồng Phúc - 09/07/2020 08:36
 
Sau khi phổ biến Thông tư 01/2020 đến các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú trên địa bàn Thành phố, từ tháng 03/2020 đến nay, chỉ có 50 doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ qua Sở Du lịch TP.HCM.

Theo số liệu của Cục thống kê TP.HCM tính đến cuối tháng 02/2020, trên địa bàn có 1.099 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo Luật Du lịch năm 2017 (trong đó, có 869 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 134 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 76 đại lý du lịch và 20 văn phòng đại điện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài).

Tuy nhiên, đến nay, có rất ít doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn chọn cách kết nối qua đầu mối là Sở Du lịch TP.HCM, nhằm kiến nghị nhu cầu vay vốn, giãn nợ,…do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cho từng trường hợp. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM khẳng định đơn vị này đã triển khai thông tin về Thông tư 01/2020 đến tất cả các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú trên địa bàn Thành phố. 

Theo đó, qua số liệu tổng từ Sở, chỉ có 50 doanh nghiệp cần hỗ trợ và Sở Du lịch TP.HCM đã chuyển danh sách đến ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM theo 3 đợt.  

“Hiện, hầu hết các trường hợp đang được ngân hàng xem xét, trong đó, có 14 doanh nghiệp được gói hỗ trợ từ ngân hàng Nhà nước, còn lại thì đang được xem xét”, bà Ánh Hoa nói và cho rằng, Sở Du lịch TP.HCM luôn lắng nghe, theo sát quá trình này bởi liên quan đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.  

.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ thông tin tại họp báo ngày Hội Du lịch TP.HCM lần 16, được tổ chức chiều 8/7 tại TP.HCM.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, các ngân hàng thương mại đang đánh giá hầu hết doanh nghiệp lữ hành thuộc nhóm rủi ro cao. Do đó, lãi suất được vay còn cao so với gói ưu đãi trong Thông tư 01/2020. 

Đại diện này cho biết sẽ tiếp tục làm việc với ngân hàng Nhà nước nhằm trao đổi cụ thể hơn với các ngân hàng thương mại, đưa ra chính sách tài khóa linh hoạt hơn với doanh nghiệp lữ hành để hoãn thời gian phải trả nợ cũ nhưng không liệt vào nhóm nợ xấu. 

“Nhu cầu tài chính của doanh nghiệp đang hoạt động, cố gắng cầm cự sẽ khác với doanh nghiệp sắp phá sản. Với nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động nhiều trong thời gian qua như du lịch, lữ hành cũng cần chính sách tài khóa khác thay vì chung chung”, bà Ánh Hoa thông tin.

Cùng với đó là kỳ vọng không xếp doanh nghiệp du lịch lữ hành vào nhóm rủi ro cao.

Từ đó, được hưởng mức lãi suất cho vay thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Tại một hội thảo với lãnh đạo TP.HCM được tổ chức hồi tháng 05/2020, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel “tủi” khi ngành hàng không có Bộ Giao thông vận tải đứng ra, làm việc trực tiếp với Chính phủ và đề nghị một loạt chính sách. 

Và các hãng hàng không được miễn, giảm nhiều khoản phí trong khi các doanh nghiệp du lịch, lữ hành còn gặp quá nhiều khó khăn vì hầu như đứng ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ do không có tài sản thế chấp. 

Nhà hàng, khách sạn còn có tài sản thế chấp. Công ty lữ hành chỉ có uy tín, thương hiệu. 

“Công ty lữ hành tập trung tại TP.HCM đông nhất cả nước nhưng tôi đảm bảo qua đợt đại dịch lần này, số còn họat động được không quá 10 đầu ngón tay. Điều này rất nguy hiểm nếu không được hỗ trợ kịp thời khi công ty lữ hành gánh vai trò nghiên cứu, xây dựng, tổ chức, khai thác thị trường, đưa khách đến toàn bộ hệ thống dịch vụ, lưu trú”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói tại buổi hội thảo hồi tháng 05/2020. 

Theo Cục thống kê TP.HCM, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng năm 2020 ước tính đạt 29.486 tỷ đồng, chiếm 4,8% tổng mức và giảm 47,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, người dân hạn chế đi lại, ăn uống bên ngoài.

Bên cạnh đó, ngành ăn uống còn chịu tác động từ Nghị định số 100/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định.

Cùng với đó, doanh thu du lịch lữ hành đạt 4.328 tỷ đồng, giảm đến 71,2% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, người dân hạn chế đi lại.
“Doanh nghiệp nói khó vay vốn ngân hàng là không hoàn toàn đúng”
"Những ngân hàng như Sacombank giờ phải giành nhau khách hàng nên doanh nghiệp nói khó vay vốn ngân hàng là không hoàn toàn đúng”, ông Phan Đình Tuệ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư