Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối nhập xăng dầu trong quý III/2022
Thế Hải - 10/10/2022 11:33
 
Sản lượng xăng nhập khẩu quý III/2022 đã giảm 40% đối với xăng, giảm 35% đối với dầu DO so với quý trước, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối thực hiện nhập khẩu xăng dầu.
TIN LIÊN QUAN
Chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối có hoạt động nhập khẩu xăng dầu trong quý 3/2022.
Chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhập khẩu trong quý III/2022.

Đã có tình trạng các thương nhân đầu mối giảm mạnh lượng xăng dầu nhập khẩu trong quý 3/2022.  Theo Bộ Tài chính, trong bối khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động giảm liên tục với biên độ rộng, khó dự báo (giá xăng dầu trong nước giảm trong 9 kỳ điều hành liên tiếp từ kỳ điều hành ngày 1/7/2022 đến nay), có thể dẫn đến tâm lý e ngại nhập khẩu xăng dầu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với Quý II/2022.

Đáng nói, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu. Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng không thực hiện nhập khẩu vào Quý III/2022 như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

"Nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường”, Bộ Tài chính đánh giá.

Hiện nay, nhà nước không quy định chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vì yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên.

Bộ Tài chính cũng phân tích thêm, chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng và năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp.

Căn cứ theo quy định hiện hành, đánh giá diễn biến chiết khấu trong thời gian ngắn, khi các đại lý tổng đại lý đã ký hợp đồng mua bán xăng dầu với 1 thương nhân đầu mối và không được ký hợp đồng với thương nhân đầu mối khác thì chiết khấu kinh doanh xăng dầu mà các đại lý, tổng đại lý được hưởng có thể phụ thuộc vào khả năng điều động nguồn hàng của thương nhân đầu mối đó. 

Đây có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến chiết khấu khác nhau giữa các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nếu xét trong một hệ thống phân phối, kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác.

Như vậy, mức chiết khấu mà một đại lý kinh doanh bán lẻ được hưởng có thể chịu tác động và phụ thuộc vào số lượng các kênh trung gian luân chuyển hàng hóa (bán buôn) trong hệ thống kinh doanh xăng dầu trước khi giao cho đại lý đó vầ sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống.

Tối 9/10, Tổng cục Quản lý thị trường có công văn chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường giám sát hoạt động xăng dầu.

Những ngày qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Nam vẫn xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do.

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, Tổng cục yêu cầu lực lượng quản lý thị trường địa phương tập trung giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn.

Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, được yêu cầu phải kiểm tra để làm rõ lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Qua đó, thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào. Và thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Tổng cục yêu cầu thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

“Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm”, công văn nêu rõ.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM hôm 9/10 cũng phát đi báo cáo nhanh về tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố sau chuyến kiểm tra trong ngày.

Trên địa bàn TP.HCM có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý và 29 đại lý bán lẻ.

Tuy nhiên, hiện tại có 54 cửa hàng tạm hết xăng dầu. Nguyên nhân hết xăng được các cửa hàng đưa ra là do cửa hàng chưa nhận được hàng hoặc bên cung cấp thông báo hiện tại không có hàng để giao.

36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ký chung đơn kêu lên Thủ tướng Chính phủ
Những bất cập trong điều hành xăng dầu của cơ quan quản lý được các doanh nghiệp nêu ra trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư