Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chỉ giảm lãi suất ngân hàng không đủ cứu DN
Hà Tâm - 18/03/2014 08:41
 
Sáng nay, 18/3, trần lãi suất huy động sẽ giảm còn 6%/năm. Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cho rằng, lãi suất hạ song ngân hàng vẫn ứ vốn, doanh nghiệp vẫn khó khăn. Giải pháp để đẩy mạnh tín dụng là phải tăng đầu tư công.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank

Theo ông, việc hạ trần lãi suất huy động sẽ tác động như thế nào tới huy động vốn của các ngân hàng?

Việc giảm trần lãi suất xuống 1% và các lãi suất chủ chốt đều giảm 1-2% là biện pháp tích cực và rất hợp lý của NHNN trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Mức hạ lãi suất của NHNN là phù hợp với các chỉ số kinh tế, nhất là giá tiêu dùng hai tháng đầu năm. Đồng thời, sẽ thay đổi cơ cấu vốn huy động của các ngân hàng.

Cụ thể, theo tôi, mức giảm lãi suất như hiện nay chưa làm giảm nguồn huy động tiền gửi mà chỉ giảm tiền gửi kỳ hạn ngắn nhưng lại tăng tiền gửi kỳ trung, dài hạn.

Lãi suất huy động liên tiếp giảm, nhưng lãi suất cho vay lại giữ mức ổn định hơn nửa năm nay. Bao giờ lãi suất cho vay có thể hạ tiếp, thưa ông?

Nước xuống thì thuyền xuống. Việc NHNN hạ lãi suất huy động sẽ tạo mặt bằng lãi suất mới cho cả cho vay và huy động.

Thế nhưng, trước đây khi cho vay, các ngân hàng chỉ quan tâm cho ai vay và vay để làm gì, nhưng bây giờ phải quan tâm thêm cả việc ngân hàng có tìm được đầu ra hay không? Vì có bán được sản phẩm thì vay vốn mới cho hiệu quả.

Chính vì vậy, dù lãi suất hạ nữa, nhưng không kích cầu, DN chưa thoát khỏi khó khăn thì cũng không có người vay vốn.

NHNN đã làm tất cả rồi, bây giờ đến điều quan trọng là cơ chế đổi mới tài chính công, kích cầu tiêu dùng để DN có thị trường, DN sản xuất hàng hóa, như thế mới thoát được khó khăn, có đủ cơ sở để vay vốn. Chứ như hiện nay DN cũng không biết vay để làm gì và NH vẫn tiếp tục ứ đọng vốn.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp để tín dụng có thể khai thông?

Chính sách tiền tệ chỉ là một phần trong nền kinh tế, lãi suất cho vay hiện nay không phải là vấn đề của DN nữa, vấn đề còn lại là tổng cầu.

Theo tôi, phải sớm nới room trên thị trường chứng khoán để thu hút đầu tư với lãi suất rẻ hơn, và đẩy mạnh đầu tư công. Trong lúc này, huy động vốn trái phiếu chính phủ hoặc công trái là dễ nhất để đầu tư công và đem lại hiệu quả vững chắc, an toàn nhất. Đó là biện pháp kích cầu hợp lý để tăng trưởng tín dụng

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đã đổ hàng nghìn tỷ đồng vào mua trái phiếu, làm dấy lên lo ngại trái phiếu chèn lấn tín dụng sản xuất. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Phát hành trái phiếu thì huy động từ các tổ chức tín dụng là dễ nhất trong bối cảnh hiện nay. Cho nên, cần phải nghĩ ra nhiều công trình quốc gia trong giai đoạn này.

Nếu để một thời gian nữa, khi tình hình kinh tế đã đảo chiều thì sẽ rất khó huy động vốn trái phiếu Chính phủ, khi đó muốn đầu tư công cũng khó. Tôi cho rằng, đầu tư công trong giai đoạn này là hợp lý, vì tiền sẽ đẻ ra tiền trong tương lai.

Theo quan điểm của ông, với trần lãi suất huy động 6%/năm, lãi suất cho vay hiện nay ở mức bao nhiêu là hợp lý. Và liệu lãi suất có thể giảm thêm?

Lãi suất huy động 6 tháng đầu năm khó có thể giảm tiếp nữa. Song cũng không phải trần lãi suất 6%/năm thì cho vay phải là 8%/năm.

LienVietPostBank chúng tôi có những khoản vay lãi suất chưa đến 5%. Có món cho vay lãi suất cao, có món cho vay lãi suất thấp để dung hòa lợi ích.

Hiện nay có DN vay là rất tốt, chúng tôi thậm chí còn không quan tâm tới lãi suất cho vay thế nào, thấy họ thanh khoản tốt, dòng tiền tốt thì vẫn nuôi cho tương lai.

Cho vay dưới lãi suất huy động, chỉ là chiêu PR?
Gần đây, không ít ngân hàng công bố những gói cho vay với lãi suất thấp hơn trần lãi suất huy động 7%/năm. Vì sao các nhà băng này chấp nhận cho vay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư