Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 05 tháng 08 năm 2024,
Chi phí dự phòng của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2024 ra sao?
Vân Linh - 05/08/2024 07:59
 
Xu hướng nợ xấu có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi các nhà băng tăng dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận sụt giảm. Song ngược lại, vẫn có ngân hàng giảm trích dự phòng.

Tăng chi phí dự phòng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Agribank, dù các hoạt động đầu tư chứng khoán chuyển từ lãi sang lỗ trong nửa đầu năm, nhưng bù lại hoạt động khác tăng lãi 22% so với cùng kỳ với gần 3.112 tỷ đồng nhờ tăng thu từ nợ gốc đã xử lý.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 24.317 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm, Agribank tăng 25% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích lập đến 11.048 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế chỉ còn 13.269 tỷ đồng, giảm 2% so vời cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV trong quý II/2024 tăng 24% lên 13.517 tỷ đồng. Dù trong quý này, Ngân hàng trích 5.358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 36% so với cùng kỳ, BIDV vẫn lãi trước thuế gần 8.159 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế gần 15.549 tỷ đồng, tăng 12%.

Tăng trích dự phòng, nợ xấu vẫn nhích dần

Kết thúc nửa đầu năm 2024, nguồn thu ngoài lãi của Vietinbank sụt giảm như: lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 88%, lãi từ hoạt động khác giảm 39%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ.

Nhưng kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietinbank tăng 12%, thu được 14.567 tỷ đồng. Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 21% lên 7.817 tỷ đồng, do đó chỉ còn 6.750 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 3% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietinbank lãi trước thuế hơn 12.960 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Tương tự, chi phí dự phòng của Techcombank ghi nhận ở mức 2.855 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc 6 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6% so cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ ở mức lành mạnh 101% tại cuối quý 2/2024. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 1,3%, và tỷ lệ an toàn vốn tăng lên  mức 14,5%.

Chi phí dự phòng của BacA Bank tăng lên tên 132 tỷ đồng trong quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm phải trích đến gần 542 tỷ đồng, tăng 215% so vời cùng kỳ năm trước.

Dù trích 625 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25%, MSB vẫn lãi trước thuế gần 2.160 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 7% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ngân hàng thu được gần 3.690 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 4% so với cùng kỳ. Như vậy, MSB đã thực hiện được 54% mục tiêu 6.800 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm sau quý II/2024.

VIS Rating nhận định, tốc độ cơ cấu lại khoản vay (~1,2% tổng dư nợ) được kỳ vọng sẽ ổn định. Rủi ro tín dụng đến từ nhóm ngành bất động sản sẽ dần ổn định khi các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ và tiếp cận được nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, VIS Rating cũng cho rằng, các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy cao với dòng tiền kinh doanh hồi phục chậm và đang vướng vào vấn đề pháp lý hoặc các dự án mang tính đầu cơ sẽ tiếp tục là rủi ro chính đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.

Nhưng theo VIS Rating, bộ đệm rủi ro vẫn sẽ ổn định khi khả năng tạo vốn nội bộ cải thiện và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Mặc dù lợi nhuận cải thiện sẽ hỗ trợ trích lập dự phòng và bổ sung vốn, mức vốn của ngành nhìn chung sẽ đi ngang trong năm 2024.

VIS Rating dự báo tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng vẫn sẽ ở mức thấp khoảng 11 - 12%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tư nhân thấp hơn trung bình ngành do phải mất nhiều thời gian hơn để cải thiện tỷ lệ dự phòng sau khi chất lượng tài sản sụt giảm mạnh vào năm 2023. 

Nợ xấu vẫn khó giảm

Tuy đã tăng trích dự phòng, song đến cuối tháng 6/2024, số dư nợ xấu của BIDV tăng 28,3% so với cuối năm trước đạt 18.687 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,26% lên 1,52%. Tổng nợ xấu của ngân hàng Vietinbank tính đến 30/6 là 24.645 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1,13% đầu năm lên 1,57%.

Chất lượng nợ vay là điểm tối trong bức tranh kinh doanh nửa đầu năm của BacA Bank. Tổng nợ xấu tính đến 30/6 tăng 65% so với đầu năm, lên mức 1,513 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 0,92% đầu năm lên 1,48%.

Tại MSB, tổng nợ xấu tính đến 30/6 ghi nhận 5.132 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ theo Thông tư 11 được kiểm soát ở mức 2,13%.

Tính đến cuối quý II/2024, số dư nợ xấu của Techcombank ở mức 7.287 tỷ đồng, tăng 21,5% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nhích nhẹ lên 1,23%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 1,08%.

Còn tại Agribank nhờ tăng dự phòng, tổng nợ xấu tính đến 30/6 của nhà băng này là 29.276 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay giảm nhẹ từ 1,85% đầu năm xuống còn 1,84%, một phần do mạnh tay trích dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, tại BaoVietBank dù đã giảm đến 35% chi phí dự phòng, chỉ còn trích gần 210 tỷ đồng trong quý II/2024, BaoVietBank chỉ lãi trước thuế đạt 18 tỷ đồng, giảm 2% so cùng kỳ, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà băng này chỉ thu được gần 620 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 78% so với cùng kỳ.

Do ngân hàng trích đến 594 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 83% so vời cùng kỳ, do vậy chỉ còn lãi trước thuế gần 26 tỷ đồng, tăng 4%. Song chất lượng nợ vay của BaoVietBank tiếp tục đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 30/6 là 2.165 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 4% đầu năm lên 4,79%.

Ngược lại, nhiều ngân hàng cắt giảm mạnh dự phòng, dù nợ xấu không đi xuống. Cụ thể, tại Vietcombank (VCB) nhờ cắt giảm 40% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ cón trích 1.513 tỷ đồng nên nhà băng này báo lãi trước thuế 10.116 tỷ đồng trong quý II, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, VCB báo lãi trước thuế gần 20.835 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước nhờ cắt giảm 34% chi phí dự phòng chỉ còn trích 3.021 tỷ đồng. Tuy nhiên, chất lượng nợ vay của VCB cũng đi lùi so với đầu năm 2024. Tổng nợ xấu tính đến 30/6 tăng 32% lên 16.446 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 0,98% đầu năm lên 1,2%.

Chi phí dự phòng ABBank giảm 33,7% so với cùng kỳ, xuống 463 tỷ đồng là nguyên nhân chính hỗ trợ cho lợi nhuận quý II/2024. Nhưng số dư nợ xấu của ABBank vào cuối quý II/2024 đạt 3.228 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2023, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,91% lên 3,55%, nhưng giảm khoảng 0,37% so với cuối quý I/2024.

Nhờ chi phí dự phòng giảm 64,6% so với cùng kỳ nên Sacombank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.688 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong những quý gần đây, chi phí dự phòng rủi ro của Sacombank đã cải thiện đáng kể do ngân hàng đã hoàn thành trích lập toàn bộ trái phiếu VAMC từ cuối năm 2023.

Tuy nhiên, số dư nợ xấu của Sacombank vào cuối tháng 6/2024 ở mức 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2%, chủ yếu do nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4 đi lên. Tỷ lệ nợ xấu lên 2,43%, cao hơn kết quả cuối quý I/2024 và cuối năm 2023.

Tại Saigobank, nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 59%, chỉ  trích gần 22 tỷ đồng quý II/2024. Nhưng chất lượng nợ vay của Saigonbank đi lùi so với đầu năm. Tổng nợ xấu đến 30/6 là 518 tỷ đồng, tăng 28%. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng bằng lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 2,03% đầu năm lên 2,55%.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, nợ xấu tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024, hoạt động cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn mạnh mẽ. Theo ước tính của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 5/2024 ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì mức 6,9%.

Xét về số tuyệt đối, VDSC ước tính nợ xấu nội bảng tăng thêm khoảng 75,9 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 06/2024 và Thông tư 02/2023 tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230,4 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188 nghìn lượt lên 282 nghìn lượt tính đến cuối tháng 6/2024.

Trích lập chi phí dự phòng rủi ro của khối ngân hàng còn tăng mạnh
Dự phòng rủi ro nợ xấu tăng mạnh, câu chuyện ở nhiều ngân hàng trong năm 2018, có thể sẽ còn tiếp diễn trong năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư