Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chi phí năng lượng đè nặng doanh nghiệp
Thế Hoàng - 01/09/2016 19:31
 
Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng như than, xi măng, sắt thép, khoáng sản với đặc thù tiêu thụ năng lượng cao, luôn là câu chuyện nóng với các doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016 “Thách thức cho phát triển bền vững”, do Báo Công thương và Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) vừa tổ chức, một lần nữa, vấn đề tiết kiệm năng lượng lại được các chuyên gia và doanh nghiệp đề cập, bởi gánh nặng chi phí cho năng lượng trong các doanh nghiệp quá lớn.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, công nghiệp trong nước chủ yếu vẫn nặng về khai thác tài nguyên và gia công, lắp ráp, vẫn khuyến khích phát triển những ngành tiêu thụ năng lượng khổng lồ như thép, xi măng, chỉ có 2% doanh nghiệp công nghệ cao. “Ngay cả một nền nông nghiệp, sử dụng quá nhiều nước, cũng là nguyên nhân tiêu tốn nhiều năng lượng và xung đột với thủy điện. Vì lẽ đó, chi phí cho năng lượng càng đè nặng vai doanh nghiệp”, ông Thiên nhấn mạnh.

Dự kiến, Việt Nam sẽ nhập khẩu 17 triệu tấn than vào năm 2020 phục vụ phát triển điện.
Dự kiến, Việt Nam sẽ nhập khẩu 17 triệu tấn than vào năm 2020 phục vụ phát triển điện.

Theo Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, năm 2015, năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và đạt khoảng 310 - 320 triệu TOE vào năm 2050.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng, như nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao, gây áp lực lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời, cũng tạo sức ép lớn cho nền kinh tế về vốn đầu tư cho ngành năng lượng. Ngoài ra, Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển điện vào năm 2020. Các khoản đầu tư lớn, cải cách thị trường năng lượng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong tương lai và duy trì tiếp cận cho mọi đối tượng ở mức giá hợp lý, giảm thiểu lượng khí thải carbon và sự tác động đến môi trường của ngành.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, Việt Nam nằm trong Top những nước tiêu thụ năng lượng lớn so với khu vực và thế giới. Tăng trưởng kinh tế với tốc độ khá cao của Việt Nam giúp cải thiện điều kiện sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Theo kế hoạch, năm 2016, TKV sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than, nhưng đến nay, TKV đã phải giảm kế hoạch sản lượng xuống còn 33 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với năm 2015, và thấp hơn 3-5 triệu tấn so với Quy hoạch.

Thêm nữa, giá than hiện nay đã tăng nhẹ, lên khoảng 70 USD/tấn, nhưng vẫn đang ở mức thấp, trong bối cảnh các chi phí và điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn. “Dù đã giảm sản lượng khai thác, nhưng để đạt được khối lượng 33 triệu tấn than trong năm 2016, TKV cũng chỉ đảm bảo việc làm cho công nhân lao động 5 ngày công/tuần. Nếu không đạt được, công nhân không đủ việc làm sẽ khó khăn cho ngành than trong cả trước mắt và lâu dài, khi nhu cầu than cho điện tăng cao”, ông Biên khuyến cáo.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương đề nghị, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện việc hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng, quy hoạch năng lượng, xây dựng năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Song song với việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, trong đó có mục tiêu tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất, sử dụng từ khoảng 25 triệu TOE trong năm 2015 lên khoảng 37 triệu TOE vào năm 2020, khoảng 62 triệu TOE vào năm 2030 và 138 triệu TOE vào năm 2050.

Tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 452 tỷ kWh vào năm 2050. Tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ 35% năm 2015 lên khoảng 38% năm 2020, khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050.

Electric and Power Vietnam - Sự kiện hàng đầu về giải pháp năng lượng
Electric and Power Vietnam 2016 - Triển lãm quốc tế về công nghệ, thiết bị, giải pháp điều phối và truyền tải điện và Industrial Automation Vietnam -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư