Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Chỉ rõ lĩnh vực cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện
Hồng Sơn - 13/05/2014 06:34
 
Ông Phùng Văn Hùng, ủy viên thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những điểm mới và một số vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, trong phiên họp lần thứ 10 lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tại TP.HCM mới đây, những nội dung mới nào của Dự thảo Luật đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu?

   Ông Phùng Văn Hùng, ủy viên thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội  
  Ông Phùng Văn Hùng, ủy viên thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội  

Có 3 vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Thứ nhất, Dự thảo Luật đã bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư (trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện). Đây là bước đột phá trong công tác quản lý đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện vẫn còn gần 400 thủ tục liên quan đến đầu tư, như những giấy phép con nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau thuộc các bộ, ngành.

Do vậy, trước mắt, vấn đề cần làm ngay là, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cùng rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của từng bộ, ngành; loại bỏ tất cả các thủ tục chồng chéo, không cần thiết làm cản trở thu hút đầu tư, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư.

Thứ hai là việc công khai, minh bạch hoá thông tin. Nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến tính rõ ràng, công khai, minh bạch của các chính sách, như lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện; việc ưu đãi và hỗ trợ đầu tư… Theo tinh thần của Hiến pháp 2013, người dân được làm những gì mà luật không cấm, do vậy, cần cụ thể hóa trong luật không chỉ những lĩnh vực, mà phải cả những ngành, nghề không được đầu tư cũng như đầu tư có điều kiện.

Thứ ba là công tác quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của một số nước trong thu hút đầu tư nước ngoài, theo hướng đơn giản hóa tối đa thủ tục để thu hút đầu tư, sau đó làm chặt “hậu kiểm” nhằm tránh những hệ lụy xấu có thể phát sinh. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Tôi cho rằng, ý kiến đó là xác đáng. Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, ta phải mở rộng cửa mời họ vào và chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo điều kiện cho họ vào một cách nhanh nhất. Ta thường có quan điểm làm chặt ngay từ đầu sẽ ngăn chặn và giảm thiểu được rủi ro, bất cập, nhưng đây là nhiệm vụ “bất khả thi”, vì ... đã có gì đâu mà kiểm, nhiều khi làm nản lòng nhà đầu tư.

Trong khi dường như chúng ta làm rất chặt đầu vào, thì đầu ra (hậu kiểm) lại chưa được coi trọng đúng mức để xảy ra tình trạng chuyển giá, gửi giá nhằm trốn thuế khá phổ biến  thời gian qua. Những kinh nghiệm đi trước của các nước là rất quý, chúng ta nên nghiên cứu để học hỏi, áp dụng.

Một trong những bất cập của Luật Đầu tư hiện hành đã được nhìn nhận, đó là các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư chưa được hoàn thiện kịp thời khi thực hiện chế độ phân cấp?

Thời gian qua, chúng ta thực hiện sự phân cấp theo hướng chuyển cho các địa phương một số thẩm quyền trong lĩnh vực đầu tư, theo phương châm là việc gì chính quyền địa phương làm tốt, thì để cho địa phương làm. Trong quá trình thực hiện, chúng ta cũng rút ra được các bài học, có những điều tốt và cả những vướng mắc, bất cập trong phân cấp và tổ chức thực hiện.

Phân cấp, nhưng chưa triệt để hoặc phân cấp, nhưng chưa gắn với trách nhiệm rõ ràng. Bây giờ là dịp để nhìn nhận, rà soát lại và điều chỉnh việc phân cấp sao cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ cũng như năng lực của mỗi cấp. Kết quả cuối cùng của sự phân cấp là, làm sao cho công tác quản lý nhà nước về đầu tư có hiệu quả. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư