Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Chỉ rõ tên ách tắc để đối thoại, giải quyết
Thanh Vũ - 07/09/2013 07:54
 
Lộ trình tăng lương tối thiểu, quy định hạn chế làm thêm ngoài giờ, vướng mắc thủ tục đăng ký kinh doanh… là những vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tại Hội nghị giữa lãnh đạo TP.HCM với các nhà đầu tư nước ngoài, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức vừa qua dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM. TP.HCM: 120 doanh nghiệp FDI dự bàn tròn đầu tư
TIN LIÊN QUAN

Ông Yamaguchi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, những vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam là, quy định hạn chế làm thêm ngoài giờ, khiến doanh nghiệp khó triển khai kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, thông báo tăng lương tối thiểu vào giữa năm cũng gây khó cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch.

Trao đổi về một số vấn đề bên lề Hội nghị. Ảnh: Thanh Tân

Tương tự, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), bà Nicola Connolly cũng cho biết, tình huống khó khăn mà các doanh nghiệp thành viên Eurocham cũng đang gặp phải là quy định làm việc ngoài giờ và mức lương tối thiểu.

Theo bà Nicola Connolly, ngành dệt may, da giày thường sản xuất có tính chất mùa vụ, vì thế vào những mùa cao điểm, doanh nghiệp (DN) cần có thêm nhiều thời gian tăng ca để kíp giải quyết đơn hàng.

Tuy nhiên, Luật lao động hiện chỉ cho phép tối đa người lao động làm việc không quá 200 giờ – 300 giờ/năm nên rất hạn chế cho DN (cả DN FDI và DN nội địa) trong việc đáp ứng các đơn hàng.

Cũng theo bà Nicola Connolly, thời gian làm việc ngoài giờ của các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan tới 1.200 giờ/năm, Malaysia 1.100 giờ/năm và Singapore 900 giờ/năm…, trong khi Việt Nam chỉ là 300 giờ là chưa thỏa đáng.

“Đáng lẽ ra thời gian làm thêm giờ tại Việt Nam phải nhiều hơn các nước Đông Nam Á, vì tay nghề lao động Việt Nam còn yếu, phải đào tạo thêm”, bà Nicola Connolly nhấn mạnh.

Có mặt tại Hội nghị, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trực tiếp trả lời một số thắc mắc của nhà đầu tư nước ngoài.

Trước thắc mắc về thời gian làm thêm ngoài giờ, ông Đỗ Nhất Hoàng giải thích, Luật Lao động hiện nay quy định 1 năm không quá 200 giờ và trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.

Trong quá trình tiếp xúc với các hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài đã nghe phản ánh về vấn đề này và đã trao đổi lại với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy nhiên Bộ này cho rằng, quy định đó là cần thiết, vì người lao động cần thời gian để tái tạo sức lao động.

Tuy nhiên, thực tế, có nhiều người lao động cũng mong làm thêm giờ để có thêm thu nhập, nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang nghiên cứu lại việc này.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (Amcham) thì lại tỏ ra băn khoăn về mức lương tối thiểu. “Chúng tôi thường khá cập rập vào tháng Mười Hai và tháng Một hàng năm, vì không biết đợt tăng lương tối thiểu tiếp theo được ấn định vào thời điểm nào để tính toán”, ông Herb Cochran nêu vấn đề.

Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng lao động - tiền lương - tiền công, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, mức lương tối thiểu mỗi khi được điều chỉnh thì Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ có thông tin cụ thể cho các Hiệp hội để lấy ý kiến. Sau đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là người đại diện giới chủ sẽ thông báo tới các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin gì về việc kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu năm 2014.

Ngoài ra, những khó khăn trong cấp phép đầu tư mới cũng là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư, bởi thực tế, đang có sự thiếu đồng nhất trong việc cấp phép, nhất là những dự án cần xin ý kiến của các bộ, ngành khác nhau.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, UBND Thành phố đã phân thành 3 loại dự án để chủ động cấp phép:

Một là, với những dự án có quy mô và hoạt động trong lĩnh vực đã được Thành phố cấp nhiều lần trước đây, thì Thành phố sẽ chủ động cấp phép;

Hai là, theo luật định, sẽ trực tiếp cấp phép nếu trong thời gian quy định, bộ, ngành được hỏi ý kiến không có phúc đáp;

Ba là, mặc dù với số lượng không lớn, nhưng các dự án liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng thì buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định có tính chất đặc thù.

“Tuy chưa thể đáp ứng toàn bộ các nhu cầu của DN,nhưng đó là cách chúng tôi rút ngắn quá trình cấp phép”, ông Lê Mạnh Hà nói.

Nhiều vấn đề khác như đảm bảo cung cấp điện để nhà đầu tư an tâm sản xuất; thủ tục hải quan; quyết toán thuế doanh nghiệp… cũng được các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra cho lãnh đạo Thành phố.

Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc lần đầu tiên tham gia đối thoại đều bày tỏ mong muốn có thêm các cuộc đối thoại tương tự để họ trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Cùng với đó, ý kiến “sớm thành lập tổ công tác duy trì đối thoại để có kiến nghị kịp thời lên Chính phủ” của các nhà đầu tư đã được ông Đỗ Nhất Hoàng ghi nhận và hứa sẽ đề đạt ý kiến này tới các bộ, ngành liên quan.

Tại Hội nghị, Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà cho rằng, cần nghiên cứu và rút ngắn khoảng thời gian giữa các lần đối thoại và căn cứ theo sự đánh giá của DN, có thể tổ chức đối thoại định kỳ hàng quý trong năm.

“Quan trọng là cần phải lập được danh sách những ách tắc cần giải quyết, để cuộc đối thoại có hiệu quả. Thành phố giao cho ITPC làm đầu mối tiếp nhận thông tin vướng mắc của các nhà đầu tư”, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư