Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chỉ số lĩnh vực chế tạo tăng mạnh, chứng khoán Trung Quốc vẫn nhuốm đỏ
Lê Quân - 01/09/2020 10:32
 
Dù chỉ số lĩnh vực chế tạo tăng mạnh,chứng khoán Trung Quốc đại lục sáng nayvẫn nhuốm đỏ với chỉ số Shanghai Composite giảm 0,16% còn Shenzhen Component trượt sâu hơn 0,448%.
Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,16% trong phiên giao dịch sáng 1/9. Ảnh: AFP
Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,16% trong phiên giao dịch sáng 1/9. Ảnh: AFP

Trái lại, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,13%.

Sáng nay, kết quả khảo sát tư nhân cho thấy chỉ số PMI Caixin/Markit lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 8 tăng nhanh nhất trong gần 10 năm qua lên 53,1 điểm.

Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm qua 31/8 công bố chỉ số PMI chính thức trong tháng 8 đạt 51,0, thấp hơn mức dự báo 51,2. Chỉ số PMI trên 50 điểm là chỉ dấu cho sự tăng trưởng của ngành/lĩnh vực được khảo sát. Nó cũng là căn cứ để nhà đầu tư đánh giá sức hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.

Thông tin lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc tiếp tục hồi phục đã không cứu thị trường chứng khoán đại lục khỏi phiên đỏ sàn hôm qua 31/8. Chỉ số Shanghai Composite trượt 0,24% về 3.395,68 điểm trong phiên giao dịch 31/8, còn Shenzhen Component giảm 0,672% còn 13.758,23 điểm.

Chứng khoán Australia sáng nay 1/9 rớt điểm mạnh nhất khu vực trước thềm Ngân hàng Trung ương Australia công bố quyết định lãi suất. Cụ thể, chỉ số S&P/ASX 200 giảm tới 1,63%, trong khi đồng đô la Australia tăng giá lên mức 1 AUD đổi 0,7398 USD, so với mức 1 AUD/0,735 USD thiết lập hôm qua.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sáng nay mở phiên giảm 0,16% trong khi Topix trượt sát nút 0,12%. Trái lại, thị trường Hàn Quốc đón sắc xanh với chỉ số Kospi tăng 0,91%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,25%.

Chứng khoán Mỹ đêm qua diễn biến trái chiều, nhưng khép lại tháng 8 với kỳ tích tháng giao dịch tốt nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ số Dow Jones đêm qua giảm 223,82 điểm, tương đương 0,8%, về 28.430,05 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 trượt 0,2% xuống 3.500,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,7% và đóng cửa với 11.775,46 điểm.

Tính chung cả tháng 8, Dow Jones tăng vọt 7,6%, mức tăng cao nhất trong tháng 8 kể từ năm 1984, còn S&P 500 tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1986 với mức tăng 7%.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh tiếp tục trượt giá. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm từ 92,4 xuống 92,18. Đồng yên Nhật Bản cũng suy yếu và quy đổi 105,98 JPY/USD so với mức 105,5 JPY/USD thiết lập hôm qua.

Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay đi lên. Giá dầu Brent giao kỳ hạn nhích 0,75% lên 45,62 USD/thùng trong khi giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ tăng tương ứng 0,75% lên 42,93 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán: Bán khống và T+0, "cuộc chơi" sẽ thú vị hơn
Nhà đầu tư dành nhiều sự chú ý tới hai điều khoản là bán khống và giao dịch trong ngày (T+0) sau khi Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo thông tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư