Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Đồng yên, chứng khoán Nhật Bản nóng theo cuộc đua tranh "ghế" Thủ tướng
Lê Quân - 31/08/2020 19:09
 
Hai chỉ số chứng khoán Nhật Bản đều tăng điểm trong phiên giao dịch hôm nay 31/8 sau phiên đỏ lửa cuối tuần khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ từ chức vì lý do sức khỏe.
Chứng khoán Nhật Bản khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 31/8. Ảnh: AFP
Chứng khoán Nhật Bản khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 31/8. Ảnh: AFP

Cổ phiếu doanh nghiệp Nhật tăng vọt

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hôm nay đóng cửa tăng 1,12% lên 23.139,76 điểm, còn Topix tăng 0,83% và kết thúc ngày giao dịch với 1.618,18 điểm. Diễn biến trên chính trường Nhật Bản hôm nay tiếp tục được giới đầu tư theo sát, khi cuộc đua thay thế Thủ tướng lâu đời nhất Nhật Bản Shinzo Abe nóng lên sau thông tin Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga tuyên bố sẽ “xông trận”.

Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phủ nhận có quan tâm vị trí người đứng đầu Nội các, nhưng một loạt cuộc phỏng vấn của ông với Reuters và các hãng tin tức khác, trước thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đột ngột tuyên bố từ chức, đã gây sự chú ý. Nhiều ý kiến cho rằng Nội các Nhật Bản nếu do ông Suga nắm giữ sẽ mở rộng chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ đã được triển khai trong gần 8 năm ông Abe cầm quyền.

Tuyên bố sẽ từ chức của Thủ tướng Shinzo Abe vào hôm 28/8 đã mở màn cho cuộc đua giành ghế chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) mà ông Abe nắm giữ lâu nay. Tân chủ tịch đảng LDP gần như chắc chắn giữ “ghế” Thủ tướng Nhật Bản bởi đảng này chiếm đa số trong Chúng Nghị viện (tức Hạ viện).

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin giấu tên cho biết ông Suga quyết định tham gia cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng LDP và hy vongj sẽ tận dụng năng lực của mình để đương đầu với các cuộc khủng khoảng, trong đó có đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất của Nhật Bản kể từ sau chiến tranh.

Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, 39 tuổi, con trai của cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi, được cho là ứng viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng. Nhưng, ông Shinjiro Koizumi quyết định không tranh cử và sẽ ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono nếu ông Taro tham gia cuộc đua nắm quyền Nội các, đài truyền hình NHK đưa tin.

Cùng với đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin, cựu Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada - những nhân vật phe “diều hâu” về tài chính, đang tìm đường trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

Một loạt công ty lớn của Nhật Bản, gồm Mitubishi, Itochu, Marubeni, và Mitsui, Sumitomo, có cổ phiếu tăng vọt trong phiên giao dịch 31/8 sau khi tỷ phú Mỹ Warren Buffett công bố tập đoàn Berkshire Hathaway của ông đã mua lại hơn 5% cổ phần tại các doanh nghiệp này. Dẫn đầu trong nhóm này là cổ phiếu Marubeni với mức tăng 9,48%, theo sau là Sumitomo tăng 9,09%, Mitsui (7,35%), Mitsubishi (7,72%) và Itochu (4,19%).

“Các doanh nghiệp Nhật Bản đều là những công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Nhật Bản,” Jesper Koll, cố vấn cấp cao của Quỹ quản lý tài sản Mỹ Wisdomtree Investments bình luận.

Đồng yên Nhật Bản hôm nay mạnh lên đáng kể và quy đổi 105,69 JPY “ăn” 1 USD, so với mức trên 106,5 JPY/USD thiết lập tuần trước.

PMI tiếp tục tăng, chứng khoán Trung Quốc vẫn đỏ sàn

Thông tin lĩnh vực công nghiệp Trung Quốc tiếp tục hồi phục đã không cứu thị trường chứng khoán đại lục khỏi phiên đỏ sàn, dù trước đó đã ghi nhận tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite hôm nay giảm 0,24% về 3.395,68 điểm trong khi Shenzhen Component mất 0,672% còn 13.758,23 điểm. Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng trượt nhẹ 0,13% lúc cuối phiên.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực chế tạo đạt 51,0, thấp hơn mức 51,2 được dự báo trước đó. Chỉ số PMI trên 50 điểm là chỉ dấu cho sự tăng trưởng của ngành/lĩnh vực được khảo sát. Mức PMI đạt 51,0 cũng là căn cứ để nhà đầu tư đánh giá sức hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.

Chứng khoán Hàn Quốc hôm nay cũng chìm trong sắc đỏ với chỉ số Kospi mất 1,17% còn 2.326,17 điểm. Trên thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200 trượt 0,22% và kết thúc phiên với 6.060,50 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,72%.

Giới đầu tư càng đau đầu với lựa chọn xuống tiền khi dịch Covid-19 trên toàn cầu ngày càng phức tạp với tổng số ca bệnh của thế giới vượt mốc 25 triệu. Theo hãng tin AP, Ấn Độ mới đây ghi nhận số ca nhiễm trong ngày đột nhiên tăng cao nhất thế giới kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh hôm nay rớt giá. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mức 93,2 thiết lập tuần trước xuống 92,32, còn đô la Australia tăng giá từ mức 1 AUD đổi 0,726 USD của tuần trước lên 1 AUD/0,7351 USD.

Thị trường dầu mỏ châu Á hôm nay diễn biến tích cực, với giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,31% lên 46,41 USD/thùng còn giá dầu thô giao sau của Mỹ nhích 0,88% lên 43,35 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán: Bán khống và T+0, "cuộc chơi" sẽ thú vị hơn
Nhà đầu tư dành nhiều sự chú ý tới hai điều khoản là bán khống và giao dịch trong ngày (T+0) sau khi Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo thông tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư