Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh sẽ góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Kỳ Thành - 29/10/2021 14:25
 
Sáng 29/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Căn cứ định hướng đã được thông qua, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được tiến hành xây dựng trên cơ sở tham vấn sâu rộng các bên liên quan. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Chiến lược tăng trưởng xanh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cùng đó, là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hướng tới phát triển kinh tế xanh. Đây cũng là tiền đề để cụ thể hóa các mục tiêu phát thải carbon thấp, trung hòa carbon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. (Ảnh: Đức Trung)

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh sẽ diễn ra trong vài ngày tới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động thiết thực, cụ thể.

Chiến lược tăng trưởng xanh đặt mục tiêu cường độ phát thải trên GDP so với năm 2014 giảm ít nhất 15% đến năm 2030, 30% đến năm 2050. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, như năng lượng sẽ nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng; giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại, công nghiệp. Cùng đó, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng; chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.

Để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, ông Lê Việt Anh đề nghị các bộ, ngành cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; phối hợp liên vùng, liên ngành; tích hợp mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu. Đồng thời, phát triển các ngành xanh; cắt giảm, chuyển đổi khỏi hoạt động đầu tư cản trở nỗ lực giảm nhẹ; nâng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chú trọng các vùng dễ bị tổn thương.

Cùng với đó, để huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện chính sách, công cụ huy động nguồn lực, hỗ trợ, ưu đãi tài chính; phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho tăng trưởng xanh; huy động các định chế tài chính, quỹ, nhà đầu tư tư nhân quốc tế; ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi, ODA, hỗ trợ kỹ thuật cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, khuyến khích khu vực tư nhân, hợp tác giữa nhà nước - tư nhân, nhà đầu tư trong - ngoài nước trong các dự án xanh, áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi xanh, ông Lê Việt Anh cho hay.

Chiến lược tăng trưởng xanh đặt mục tiêu cường độ phát thải trên GDP so với năm 2014 giảm ít nhất 15% đến năm 2030, 30% đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung)

Tại hội nghị, các ý kiến đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, cơ sở dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh và “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp” để các tỉnh, thành phố có cơ sở xây dựng và triển khai, đánh giá tình hình thực hiện tại địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc phối hợp tổ chức thực hiện có tầm quan trọng đặc biệt; trong đó, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đóng vai trò nền tảng…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh; tổ chức xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như các nội dung quan trọng khác được giao thực hiện.

Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư