Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chiến thuật “nhặt hạt dẻ trong lò lửa” của Viettel Post
Hữu Tuấn - 03/07/2019 16:21
 
Với việc tung ra ứng dụng gọi xe MyGo và sàn thương mại điện tử Voso.vn, Viettel Post sẽ đi theo cách của mình và không tham gia cuộc chiến “đốt tiền”…
.
Chỉ sau 3 tuần ra mắt, tính đến ngày 30/6, Voso.vn đã có 7.000 nhà cung cấp trên hệ thống , còn MyGo đã thu hút hơn 105.000 tài xế tham gia tính đến 1/7

Tận dụng hệ sinh thái của Viettel

Ngày 1/7, Viettel Post ra mắt sàn thương mại điện tử Voso.vn và ứng dụng gọi xe MyGo trong bối cảnh hai lĩnh vực này đang nóng hơn bao giờ hết.

Thương mại điện tử Việt Nam có quy mô 7,5 tỷ USD trong năm 2018, dự kiến tăng lên 15 tỷ USD trong năm 2025, nhưng đang chứng kiến sự thống trị của khối ngoại. “Ngũ đại gia” Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Adayroi đang đua nhau vung tiền chiếm thị phần; 2 vị trí quán quân và á quân đều là nhà đầu tư nước ngoài, Tiki và Sendo thì do nhà đầu tư nước ngoài chi phối, chỉ duy nhất Adayroi của Vingroup là “thuần Việt”. Chính vì vậy, việc Voso.vn “tham chiến” sẽ là một đối thủ nặng ký trên thị trường khốc liệt này.

Còn thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam đang có quy mô khoảng 500 triệu USD năm 2018 và đến năm 2025, dự báo thị trường đạt ngưỡng 2 tỷ USD với tốc độ tăng 29%/năm. Thị trường này đang có các đại gia giàu tiềm lực, đổ tiền thâu tóm thị phần như Grab, Go Việt, Be, FastGo…

Vậy trong cuộc chơi này, Viettel Post sẽ đi theo con đường nào và cách thức gia nhập thị trường của Viettel sẽ như thế nào để “nhặt hạt dẻ trong lò lửa” (vượt qua trở ngại để mang lợi về).

Theo cách mà Viettel Post vận hành MyGo và Voso.vn, có thể thấy rằng, Viettel Post đang sử dụng hệ sinh thái của Viettel để phát triển hai lĩnh vực này.

“Đối tác bán hàng trên Voso.vn, tài xế vận chuyển MyGo sẽ được miễn phí Data 4G của Viettel, còn khách hàng thì sẽ đặt hàng trên Voso, thanh toán qua ViettelPay, giao hàng nội thành với MyGo, giao hàng liên tỉnh với Viettel Post... Đó là một vòng tròn khép kín, xoay quanh hệ sinh thái của Viettel để tối ưu hóa chi phí cho cả người bán hàng, khách hàng của Viettel”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Viettel Post mô tả.

Theo ông Đỗ Mạnh Tuân, Phó tổng giám đốc Be Group (đơn vị phát triển ứng dụng gọi xe Be), hiện doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 70% thị phần gọi xe trực tuyến. Bởi vậy, khi có một ông “anh cả” trong nước ra mắt dịch vụ gọi xe tương tự Be hay Fastgo đang làm thì đó là điều đáng mừng. Các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết để giành thị phần.

Hệ sinh thái của Viettel không chỉ là các ứng dụng, nền tảng dịch vụ sẵn có của Viettel, mà còn là hệ thống 2.500 bưu cục, 6.000 điểm giao nhận, hơn 17.000 cán bộ công nhân viên phủ khắp đất nước. Đây là nguồn lực khổng lồ để Viettel Post tối ưu thời gian, chi phí vận chuyển, khâu quan trọng nhất trong thương mại điện tử. Đây là điểm mạnh mà các đối thủ của Viettel Post rất e ngại.

"Với việc sở hữu mạng lưới chuyển phát nhanh rộng khắp cả nước, Voso.vn và MyGo sẽ giúp các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hoặc cá nhân muốn tìm kiếm thêm một nguồn thu nhập thụ động, tạo doanh thu đột phá với mạng lưới giao hàng COD trên toàn quốc", ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post nói.

MyGo tập trung chủ yếu vào giao hàng dựa trên thế mạnh về bưu chính của ViettelPost, đồng thời tận dụng cuốc xe để chở khách. Hệ thống của Mygo sẽ tính toán cung đường đi để đảm bảo không ảnh hưởng đến dịch vụ giao hàng và chở khách. Tận dụng cả việc giao hàng và chở khách trên cùng hành trình nên mức giá của MyGo sẽ rẻ hơn 5-7% so với các dịch vụ gọi xe khác.

Đặc biệt, Voso.vn sẽ miễn phí cho các gian hàng bán nông sản trên sàn này trong ít nhất một năm. Cùng với đó, Viettel Post sẽ hỗ trợ marketing bán sản phẩm cho bà con nông dân, tổ chức các khóa đào tạo online miễn phí về marketing cho nông dân.

Không tham gia cuộc chiến đốt tiền

Đó là khẳng định của lãnh đạo Viettel Post về chiến lược phát triển của MyGo và Voso.vn trong bối cảnh các ứng dụng như Grab, Be không tiếc tiền để khuyến mại, tài trợ tài xế để giành thị phần.

“Viettel Post sẽ không "đốt tiền", chúng tôi hướng đến giá trị lâu dài, chứ không hướng đến giá trị trước mắt. Theo quan sát của tôi, các ứng dụng gọi xe đang đổ rất nhiều tiền vào marketing. Việc đầu tư cho marketing là lớn nhất và nếu lỗ thì là lỗ ở marketing. Chúng tôi xác định marketing làm trọng tâm, nhưng sẽ không đổ quá nhiều tiền vào marketing”, ông Hưng cho biết.

Theo tiết lộ của ông Hưng, công ty mẹ Viettel cũng không bao giờ đổ tiền cho Viettel Post “đốt tiền” như những doanh nghiệp khác, mặc dù Tập đoàn rất hùng mạnh, có tiềm lực tài chính lớn.

Theo nhận định của ông Hưng, cuộc chiến "đốt tiền" trong 2 lĩnh vực này sẽ sớm ngã ngũ và chấm dứt. Viettel Post sẽ không tham gia cuộc chiến đó mà sẽ đi theo cách của mình để chiến thắng trong dài hạn. “Hướng đi cụ thể thế nào, tôi xin phép không tiết lộ”, ông Hưng nói.

Được biết, mục tiêu của Viettel Post trong năm 2019 là tập trung vào cung cấp trải nghiệm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, không đặt mục tiêu cụ thể về doanh số, lợi nhuận. Đến năm 2020, Viettel Post mới tính toán đặt ra chỉ tiêu doanh thu, số lượng người dùng, số chuyến xe và mục tiêu về đơn hàng.

Chưa biết chiến lược của Viettel Post sẽ thành công đến đâu, nhưng phản hồi bước đầu là khá tích cực. Chỉ sau 3 tuần ra mắt, tính đến ngày 30/6, Voso.vn đã có 7.000 nhà cung cấp trên hệ thống và đang hướng tới con số 30.000 vào ngày 15/7 tới. Trong khi đó, tính đến ngày 1/7, MyGo đã thu hút hơn 105.000 tài xế tham gia, trong đó có 97.883 tài xế xe máy, 7.258 tài xế ô tô và khoảng 600 tài xế xe tải.

Viettel Post đạt doanh thu "khủng" gần 2.000 tỷ đồng
Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm với doanh thu đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư