Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ “lên” chương trình hành động để nâng chất vốn FDI
Nguyên Đức - 29/04/2020 09:58
 
Hơn 8 tháng sau khi Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TQ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ đã chính thức ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị quyết số  58/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 50-NQ/TW đề ra, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ, bao gồm đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động; hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài, về thu hút đầu tư, về bảo hộ đầu tư; cũng như hoàn thiện chể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài…

Hàng loạt nhiệm vụ cụ thể cũng đã được Chính phủ giao cho các bộ ngành, địa phương. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung quy định về “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; nghiên cứu, xây dựng các quy định nhằm khắc phục tình trạng vốn mỏng, đầu tư chui, núp bóng…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng các tiêu chí về suất đầu tư, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết, lan tỏa, tham gia chuỗi giá trị quốc tế… để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp…

Nhìn vào chương trình hành động của Chính phủ, có thể thấy rất rõ các thay đổi quan trọng của Việt Nam trong chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Bởi sẽ có rất nhiều thể chế, chính sách sẽ được xây dựng để vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, nhưng đồng thời cũng vẫn đảm bảo việc quản lý nhà nước một cách chặt chẽ, hiệu quả…

Cụ thể, sẽ có các quy định về việc không xem xét mở rộng đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, nhưng đồng thời sẽ có những cơ chế, chính sách vượt trội có tính cạnh tranh quốc tế để thu hút các dự án công nghệ cao, đặc biệt các dự án có thực hiện việc nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Chính phủ cũng xác định tiếp tục có ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không ưu đãi tràn lan, mà sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo các tiêu chí như mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, R&D…

Bên cạnh đó, sẽ bổ sung cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt các cam kết. Hay có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước…

Cơ chế là thông thoáng và ở mức cao, đủ sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, các cơ chế ưu đãi đầu tư này sẽ gắn với cơ chế hậu kiểm, nếu nhà đầu tư không đáp ứng cam kết, thì sẽ bị yêu cầu bồi hoàn… 

Đồng thời với đó, Chính phủ cũng xác định, sẽ nghiên cứu, có chính sách thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng sẽ có cơ chế để đánh giá nghiêm túc việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh của Việt Nam liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ tại Việt Nam…

Nghĩa là, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhưng đồng thời, cũng sẽ “quản” chặt. Tất cả là để nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian đến, cũng như khẳng định một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngay tại Nghị quyết 50-NQ/TW đã hàm chứa một nội hàm mới, đó là thay vì “thu hút và sử dụng” như trước đây, đã trở thành “hợp tác đầu tư”. Điều này thể hiện rõ tâm thế chủ động của Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. 

“Hợp tác đầu tư nước ngoài” là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động... Hợp tác để đôi bên cùng có lợi, cùng thắng!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư