Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Mục tiêu là dân hài lòng
Thu Lê - 29/08/2014 08:24
 
“Phải lấy sự hài lòng của người dân khi thụ hưởng các dịch vụ từ chính quyền điện tử làm mục tiêu trọng tâm”. Đó là khẳng định của ông Võ Đức Hạnh, Phó trưởng Ban Quản lý điều hành Dự án Xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Quảng Ninh, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội thảo Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ 18.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nhà đầu tư Sân bay Vân Đồn hé lộ kế hoạch khủng
Vịnh Hạ Long kén "phò mã": Chọn Bitexco hay Tuần Châu?
Quảng Ninh quyết gỡ nút thắt thể chế để hút đầu tư
Quảng Ninh ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư
Thủ tướng phê chuẩn lãnh đạo Hà Nội, Quảng Ninh

Thưa ông, đâu là mục tiêu mà tỉnh Quảng Ninh hướng tới trong việc xây dựng CQĐT?

  Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Mục tiêu là dân hài lòng  
  Ông Võ Đức Hạnh, Phó trưởng Ban Quản lý điều hành Dự án Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh  

Đó là việc người dân nhận được sự hài lòng và tin tưởng vào chính quyền địa phương.

Dự án Xây dựng CQĐT Quảng Ninh đã xác định, phải ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào hoạt động của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức, điều hành.

Đồng thời, vận hành trên hệ thống thông tin thống nhất,  phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả; hình thành công dân, công chức điện tử.

Việc xây dựng CQĐT phải gắn với xây dựng các trung tâm hành chính công và cải cách hành chính; tiến tới xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công.

Một khi CQĐT được hoàn thiện, thì người dân sẽ được sử dụng mọi dịch vụ hành chính công với chất lượng tốt nhất.

Với CQĐT, mọi thủ tục hành chính, kết quả giải quyết được công khai, thì việc giám sát, đánh giá hiệu quả, thái độ làm việc của cán bộ, viên chức sẽ được thực hiện qua các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia giám sát, quản lý cơ quan nhà nước một cách trực tiếp và hiệu quả nhất.

Tiến độ thực hiện Dự án này đến đâu rồi, thưa ông?

Đến nay, Dự án đã hoàn thành hơn 60% khối lượng công việc. Đối với việc xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu thông tin, bao gồm việc xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu và hệ thống mạng diện rộng (WAN), mạng cục bộ (LAN) giữa các sở, ngành, UBND các thành phố, huyện, thị xã, các trung tâm hành chính công để trao đổi văn bản, hồ sơ công việc qua mạng cơ bản đã hoàn thiện. Dự kiến, đến tháng 10 tới sẽ được đưa vào sử dụng.

Với mục tiêu trên 50% người dân biết khai thác sử dụng các dịch vụ của CQĐT, năm 2014 tỉnh đã bố trí gần 10 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch đào tạo công dân điện tử và truyền thông về CQĐT. Từ đó, giúp người dân và DN có kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các tiện ích, ứng dụng.

Ban Quản lý điều hành Dự án Xây dựng CQĐT cũng đã tổ chức đào tạo cho toàn bộ cán bộ, công chức từ tỉnh tới cấp xã. Đến nay, 100% sở, ngành và địa phương có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin được đào tạo quản lý, vận hành CQĐT. Trên 600 cán bộ, công chức đã được đào tạo khai thác, sử dụng phần mềm tại các trung tâm hành chính công.

Vậy theo ông, đâu là điểm nhấn trong việc xây dựng CQĐT ở Quảng Ninh?

Đó là việc xây dựng các trung tâm hành chính công theo nguyên tắc: đây là nơi duy nhất giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ hành chính công. Các thủ tục hành chính sẽ được rà soát, tinh giản, chuẩn hóa và đưa vào trung tâm hành chính công. Để các trung tâm hành chính công hoạt động thực sự có hiệu quả, từ ngày 12/5/2014, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các địa phương cử lãnh đạo đơn vị (từ cấp phó trở lên) đủ thẩm quyền đến làm việc, trực tiếp xử lý hồ sơ, ký duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại trung tâm hành chính công.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đưa trung tâm hành chính công tỉnh và 5 địa phương vào hoạt động. Tổng số thủ tục hành chính được rà soát và đưa vào giải quyết tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh là 472 bộ, đạt 32,8%; trong đó, 153/472 bộ thủ tục hành chính được thực hiện theo nguyên tắc thẩm định và phê duyệt tại chỗ (đạt 32,4%). 5 trung tâm hành chính công của Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Uông Bí, lần lượt có số thủ tục hành chính đưa vào thực hiện là 178/185, 160/176, 92/230, 54/230 và 134/168.

Dự kiến, đến hết năm 2014 sẽ đạt 70%; đến tháng 6/2015 là 90% và đến hết năm 2015 cơ bản đạt 100% số thủ tục hành chính được chuẩn hóa và đưa vào trung tâm hành chính công tỉnh và địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư