Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chính sách cần vì doanh nghiệp chứ không nên vì an toàn của cơ quan soạn thảo
Khánh An - 07/10/2021 21:55
 
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho rằng, tình trạng chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật kéo dài có phần nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan soạn thảo.
.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

doanh nhân đầu tiên phát biểu trong Cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chiều ngày 7/10/2021, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đã đặt thẳng vào vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang quan tâm, đó là các tồn tại trong hệ thống quy phạm pháp luật đang làm khó, thậm chí cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp.

“Trong quá trình soạn thảo, xây dựng cơ chế, chính sách, chúng tôi mong các cơ quan Nhà nước làm việc trên tinh thần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chứ không nên vì sự an toàn của mình. Có như vậy, các quy định, từ cả ngôn từ, quan điểm mới thực sự dễ hiểu, thực hiện đồng thuận, thống nhất, không tạo nên những rào cản, điều kiện kinh doanh vô lý”, ông Phạm Đình Đoàn bắt đầu ý kiến của mình.

Hiện tại, những quy định chồng chéo, thậm chí xung đột đang là gánh nặng lớn với doanh nghiệp ở cả góc độ chi phí tuân thủ cao, rủi ro lớn. Một dự án phải tuân thủ nhiều quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chỉ cần một vài vướng mắc, do cách hiểu, cách vận dụng quy định không thống nhất, cũng sẽ khiến dự án có nguy cơ bị dừng lại.  

Để đảm bảo được nguyên tắc "hỗ trợ doanh nghiệp", ông Đoàn đề nghị việc lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cần được các cơ quan soạn thảo thực hiện có trách nhiệm, với tinh thần lắng nghe, tiếp thu có trách nhiệm hơn.

Mặc dù thực tế, không ít doanh nghiệp chưa thực sự chủ động trong việc tham gia góp ý, kiến nghị, nhưng ông Đoàn cho rằng, tình trạng đại khái, sơ sài trong tiếp thu các ý kiến góp ý của không ít cơ quan soạn thảo cũng đang làm doanh nghiệp giảm nhiệt tình.

“Nhiều khi chúng tôi nhận được dự thảo đề nghị góp ý nhưng không có những phương án, đánh giá, so sánh giữa quy định hiện tại và dự thảo, nên cũng khó tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cần hội nhập với thông lệ quốc tế. Hiện tại, nhiều đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam lại đề nghị áp dụng luật nước ngoài khi có tranh chấp”, ông Đoàn thẳng thắn kiến nghị.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, quy trình xây dựng, rà soát quy định pháp luật cần được minh bạch một cách thực chất, có sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng doanh nghiệp.

Mặc dù đây là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng ông Tuấn đề nghị việc tiếp nhận các ý kiến góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp cần được giải trình và báo cáo lên Quốc hội, làm rõ vì sao không tiếp thu. 

“Có như vậy, doanh nghiệp mới không mất động lực vì các ý kiến như ném đá ao bèo”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Liên quan đến việc thực thi các quy định, ông Đoàn đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp trong giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Thay vì chỉ làm rõ các quy định, điều khoản, khi doanh nghiệp có vấn đề, các cơ quan quản lý hỗ trợ trong giải đáp các vụ việc cụ thể, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp giải quyết được vướng mắc của mình.

“Hiện tại, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về quy định pháp luật cơ chế chính sách cũng như tư vấn doanh nghiệp để thực thi tốt hơn. Đề nghị các cơ quan tăng cường ứng dụng công nghệ trong nội dung này”, ông Đoàn đề xuất.

Đặc biệt, gửi lời tới Chủ tịch Quốc hội, ông Đoàn nói: Mỗi khi thông qua luật, Quốc hội nên kiểm tra cả việc đồng bộ Nghị định, Thông tư để đảm bảo được đúng với tinh thần của luật và áp dụng được ngay. Trước mắt, ban hành sớm các chính sách hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chịu tác động của dịch COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận, thực tế, phù hợp với đặc điểm điều kiện của doanh nghiệp, với ngành nghề lĩnh vực và có thể tiếp cận thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận cơ chế, chính sách, nhất là việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng Covid-19.

"Nhiều văn bản đã ban hành rồi, giờ làm sao để thực hiện nhanh nhất, đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để người dân, doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, vượt qua khó khăn", ông Hùng cùng quan điểm với ông Đoàn khi gửi kiến nghị tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Những gì đất nước cần, chúng tôi sẽ chung tay
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho rằng, đất nước đang cần những hành động cụ thể, có ý nghĩa với sự phát triển tương lai và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư