Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Chính sách cho kinh tế tư nhân cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không cần ưu đãi
Như Trung - 02/04/2023 17:57
 
Khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng.

Nhận định trên được TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân thứ lần II với chủ đề “Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế” do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức, diễn ra tại Hà Nội sáng nay, 2/4.

Diễn đàn được tổ chức chỉ ít ngày sau khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân thứ lần II được tổ chức chỉ ít ngày sau khi Chính phủ vừa ban hành chương trình hành động về phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh: DNVN)

Kinh tế tư nhân đã và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế

Đánh giá kết quả sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 10-NQ/TW, PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho hay, sau hơn 30 năm Đổi mới, kinh tế tư nhân đã có bước chuyển mình mang tính lịch sử, hết sức lớn lao, mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình hình kinh tế toàn cầu đang diễn biến cực kỳ phức tạp, khó lường, khó dự báo, cộng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế đất nước… đang gây nên những trở lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.

Chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, kinh tế tư nhân đã và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2021, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng gần 46% GDP, tạo việc làm cho khoảng 85% tổng số lao động cả nước.

Đáng chú ý, kinh tế tư nhân đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ mức 13,88% (năm 2016) lên 18,5% vào năm 2021; đóng góp vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ tỷ trọng 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân là tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm gần đây; quy mô vốn nhỏ và thường xuyên thiếu vốn; năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp. Ngoài ra,còn tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh như gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu…; chưa thực sự chú trọng đầu tư công nghệ, R&D, ứng dụng công nghệ công nghệ thông tin.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế tư nhân đã và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế. (Ảnh: DNVN)

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh thông thường mà là siêu cạnh tranh ở cả thị trường thế giới và thị trường nội địa, ở cả khâu chất lượng và giá cả nguyên liệu đầu vào, đóng gói, nhãn mác, vận tải logistics, thương hiệu, kỹ năng marketing cho đến hệ thống phân phối tự chủ và cuối cùng là chinh phục người tiêu dùng. Đối thủ cạnh tranh có sức mạnh vượt trội không chỉ về tài chính, quản trị và công nghệ, mà còn cả về khả năng ứng phó siêu nhanh với những hỗn loạn trên thị trường.

Cùng đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những cải tiến công nghệ đột phá và diễn ra cực kỳ nhanh chóng, khiến cho những chiến lược quản trị doanh nghiệp thông thường không thể thích ứng kịp cả về trình độ nghiên cứu phát triển và chất lượng nguồn nhân lực.

Cần chú trọng xây dựng cơ sở pháp lý, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của kinh tế tư nhân, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, bao trùm; chú trọng kiến tạo để các thị trường đất đai, lao động, tài chính, khoa học công nghệ, hàng hóa, dịch vụ… phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân cần dựa trên nguyên tắc cơ bản “bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động”.

Ông Ánh phân tích, khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng. Bên cạnh đó, dù yêu cầu được tôn trọng nhưng lại chưa chủ động để được tôn trọng, "tư tưởng chờ đợi sự "ban phát" và "dựa dẫm" vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến".

“Vấn đề thiết yếu đối với khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hình thành, thực hiện, theo dõi, thanh lý, giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế và xử lý các vấn đề kinh tế - tài chính khi doanh nghiệp phá sản hay giải thể theo quy luật thị trường”, ông Ánh cho hay.

Ngoài một số ưu đãi tạm thời, theo TS. Vũ Đình Ánh, không nên áp dụng các chính sách ưu đãi cho kinh tế tư nhân, kể cả chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp..., tránh tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và làm mất giá trị thật của các ưu đãi.

Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực lưu ý cần quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho cả trước mắt và lâu dài.

Đặc biệt, “cần tích cực tham gia trong kiến tạo và phát triển môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, công bằng thông qua đóng góp các ý kiến, phản biện chính sách để góp phần hoàn thiện và thực thi thể chế”, ông Lực nhấn mạnh.

Sức chống chịu thấp, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân càng trở nên thách thức
Sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, mỗi khi có bão là liêu xiêu, nên mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2025 chỉ đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư