Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chính sách kinh tế Bidenomics: Cần táo bạo và tham vọng hơn cho kinh tế Mỹ
Anh Quang (VTV) - 03/10/2020 17:40
 
Tờ Nhà Kinh tế (The Economist) của Anh nhận định, Bidenomics - các chính sách kinh tế của ứng cử viên Tổng thổng đảng Dân chủ cần táo bạo và tham vọng hơn.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden - 76 tuổi - phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở Wilmington, Delaware. Nguồn: Reuters
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden - 76 tuổi - phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở Wilmington, Delaware. Nguồn: Reuters

Lo sợ về một sự ngả sang cánh tả dưới thời ông Biden

Hai ứng cử viên tổng thống đã đối mặt nhau trong cuộc tranh luận đầu tiên trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 3/11.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden thì dành cả buổi để chế giễu ông Trump vì đã đưa "đất nước sụp đổ". Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã biến nó thành một cuộc "ẩu đả" ngôn từ, thậm chí khiến người ta nghi ngờ về sự đúng đắn của các chính quy trình bầu cử. Ông Trump cũng đã làm những gì ông hy vọng sẽ là một đòn hạ gục ông Biden, cáo buộc đối thủ là một kẻ yếu ớt, người sẽ không chống đỡ nổi kế hoạch của phe cánh tả (*) nhằm mở rộng đáng kể chính phủ và làm tê liệt hoạt động kinh doanh.

Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ lo sợ về một sự ngả sang cánh tả như vậy dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, cáo buộc này không chính xác. Ông Biden đã bác bỏ những ý tưởng không tưởng (Utopia) của cánh tả. Các đề xuất về thuế và chi tiêu của ông là hợp lý. Chúng chỉ dẫn đến một nhà nước phình to hơn một ít và nỗ lực để giải quyết các vấn đề thực sự mà Mỹ đang phải đối mặt, bao gồm cơ sở hạ tầng kém chất lượng, biến đổi khí hậu và sự tàn phá các doanh nghiệp nhỏ. Trên thực tế, điểm yếu trong các kế hoạch của ông Biden là chúng chưa đủ sâu rộng ở một số lĩnh vực.

COVID-19 phơi bày nhiều điểm yếu về kinh tế của chính quyền Mỹ

Khi Tổng thống Trump lên nắm quyền vào năm 2017, ông hy vọng sẽ kích thích tâm lý đám đông kinh doanh bằng việc cung cấp cho các ông chủ một đường dây nóng nối trực tiếp với Phòng Bầu dục cũng như cắt giảm các khoản thuế và thủ tục hành chính. Trước COVID-19, kế hoạch này đã có hiệu quả, được trợ giúp bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đạt mức cao nhất trong gần 30 năm; cổ phiếu tăng mạnh và lương của một phần tư người lao động nghèo nhất tăng 4,7% một năm, nhanh nhất kể từ năm 2008. Các cử tri coi vấn đề kinh tế là ưu tiên hàng đầu và nếu không phải vì virus SARS-CoV-2 thì thành tích kinh tế đó có thể đã đủ để giúp Trump tái đắc cử.

GDP quý II Mỹ giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất từ năm 1947. Nguồn: AFP
GDP quý II Mỹ giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất từ năm 1947. Nguồn: AFP

Tuy nhiên, dịch bệnh đã phơi bày nhiều thiếu sót của chính quyền đương nhiệm. Các vấn đề lâu dài đã nổi lên, bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém và mạng lưới an sinh xã hội lỏng lẻo. Tính năng động của doanh nghiệp vẫn còn yếu. Đầu tư giảm và ít công ty mới được thành lập trong khi những công ty lớn ngày càng có ảnh hưởng. Phong cách hỗn loạn của ông Trump, gồm việc công khai chỉ trích doanh nghiệp và các cuộc tấn công vào nền pháp quyền, là một loại thuế đánh vào tăng trưởng. Cuộc đối đầu với Trung Quốc đã giành được ít nhượng bộ từ nước này, đồng thời gây bất ổn cho hệ thống thương mại toàn cầu.

Bidenomics là gì?

Nếu trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Biden cần khắc phục những vấn đề này bằng cách trở thành một nhà quản trị có năng lực, người tin tưởng vào các thể chế, chú ý đến lời khuyên và quan tâm đến kết quả. Những phẩm chất đó sẽ cần thiết vào năm 2021, vì có lẽ sẽ có 5 triệu người phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp dài hạn và nhiều công ty nhỏ đối mặt với phá sản.

Ưu tiên kinh tế của ông Biden sẽ là thông qua một dự luật "phục hồi" khổng lồ, trị giá khoảng 2 -3 nghìn tỉ đôla Mỹ, tùy thuộc vào việc liệu một kế hoạch kích thích có được Quốc hội thông qua trước bầu cử hay không. Điều này sẽ bao gồm các khoản chi ngắn hạn, thúc đẩy bảo hiểm thất nghiệp và trợ giúp các chính quyền tiểu bang và địa phương, những nơi đang đối mặt với thâm hụt ngân sách.

Ông Biden cũng nên mở rộng các khoản tài trợ hoặc cho vay cho các doanh nghiệp nhỏ không nhận được nhiều hỗ trợ như các doanh nghiệp lớn. Giảm căng thẳng với Trung Quốc, xoa dịu thị trường là 1 trong những ưu tiên hàng đầu cần được đưa ra. Và nếu vaccine xuất hiện, cách tiếp cận hợp tác thay vì giao dịch đổi chác nhất thời với nước ngoài sẽ giúp phân phối toàn cầu dễ dàng hơn, cho phép biên giới mở cửa trở lại và thương mại phục hồi nhanh hơn.

Ứng viên tổng thống Joe Boden trong 1 chuyến tham quan cơ sở chế tạo kim loại tại Dunmore, Pennsylvania. Nguồn AP
Ứng viên tổng thống Joe Boden trong 1 chuyến tham quan cơ sở chế tạo kim loại tại Dunmore, Pennsylvania. Nguồn AP

Dự luật phục hồi cũng sẽ nhằm mục đích "xây dựng lại tốt hơn" bằng cách tập trung vào một số vấn đề lâu dài của Mỹ vốn cũng là ưu tiên của ông Biden trong nhiều năm qua. Đáng chú ý là kế hoạch về sự bùng nổ của các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với khí hậu để khắc phục tình trạng thiếu đầu tư trong nhiều thập niên: các cây cầu ở Mỹ trung bình đã được xây từ 43 năm trước. Chi cho nghiên cứu và phát triển của chính phủ đã giảm từ hơn 1,5% GDP vào năm 1960 xuống 0,7% ngày nay, trong khi Trung Quốc đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với nhành khoa học của Mỹ. Ông Biden cũng sẽ đảo ngược điều đó, với nhiều nghiên cứu hơn về công nghệ và năng lượng tái tạo. Ông sẽ loại bỏ các hạn chế khắc nghiệt của ông Trump đối với nhập cư, vốn là mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh của Mỹ và ông muốn nâng cao mức sống của tầng lớp trung lưu và khả năng thăng tiến của người dân. Điều đó có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở, đi kèm mức lương tối thiểu 15 USD. Điều này có lợi cho 17 triệu người lao động.

Đây không phải là chương trình nghị sự của một nhà xã hội chủ nghĩa. Ông Biden đã bỏ qua những viễn vông của cánh tả, bao gồm đề xuất Medicare For All (Chăm sóc y tế cho mọi nhà), lệnh cấm năng lượng hạt nhân và chương trình đảm bảo việc làm. Các kế hoạch của ông có quy mô cũng như phạm vi vừa phải, làm tăng chi tiêu công hàng năm lên 3% GDP, với giả định rằng tất cả chúng đều có thể được Thượng viện thông qua. Con số này ít hơn so với mức tăng 16-23% của các ứng viên đảng Dân chủ khác như Elizabeth Warren và Bernie Sanders. Ông cũng sẽ tăng thuế để chi trả cho khoảng một nửa khoản chi tiêu được chấp thuận, với mức thuế cao hơn nhắm vào các công ty và người giàu. Điều này sẽ khiến lợi nhuận sau thuế của các công ty có thể giảm tới 12% và thu nhập của top 1% những người có thu nhập cao nhất sẽ giảm tới 14%. Nếu bạn giàu, điều đó sẽ gây khó chịu, nhưng không phải là một thảm họa.

Rủi ro của "Bidenomics" là tính thực dụng của Biden sẽ khiến ông không đủ táo bạo

Đôi khi ông Biden không hoá giải được các mục đích mâu thuẫn nhau. Ví dụ, ông đã đúng khi ủng hộ khả năng thăng tiến của các tầng lớp trong xã hội cũng như một mạng lưới an sinh tốt hơn cho những người lao động bị mất việc làm. Kế hoạch của ông bao gồm cả nhà ở giá cả phải chăng hơn cho đến các trường đại học công lập miễn phí. Nhưng nếu được trang bị những bộ đệm an sinh xã hội này, ông nên sẵn sàng chào đón sự phá hủy sáng tạo lớn hơn để nâng cao mức sống về lâu dài. Thay vào đó, bản năng của ông Biden là bảo vệ các công ty và ông không có quá nhiều điều để nói về việc thúc đẩy cạnh tranh, bao gồm cả việc giảm bớt độc quyền công nghệ. Các công ty hiện tại và những người trong nội bộ thường khai thác các quy định phức tạp nhằm tạo rào cản gia nhập thị trường. Kế hoạch của Biden bị bó hẹp trong các thủ tục hành chính.

Ông Biden tranh cử với khẩu hiệu
Ông Biden tranh cử với khẩu hiệu "Build back better" - Xây dựng lại tốt hơn. Nguồn: Reuters,

Chính sách khí hậu của Biden thể hiện sự tiến bộ thực sự. Việc xây dựng lưới điện xanh và mạng lưới sạc có ý nghĩa vì khu vực tư nhân thường ngần ngại trước các sáng kiến như vậy. Nhưng, một lần nữa, tác dụng của nó sẽ bị giảm bớt bởi quy định rằng 40% chi tiêu phải dành cho các cộng đồng khó khăn và trao đặc quyền cho các nhà cung cấp trong nước: đây là một công thức cho sự kém hiệu quả. Kế hoạch cắt giảm khí thải của ông đặt ra các mục tiêu, nhưng lại né tránh thuế carbon, biện pháp sẽ khai thác sức mạnh của thị trường vốn để phân bổ lại các nguồn lực. Đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Chỉ tháng trước, Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh, một tổ chức đại diện cho công ty Mỹ, cho biết họ ủng hộ việc đánh thuế carbon.

Sự thiếu táo bạo này cũng phản ánh việc thiếu một chiến lược được phát triển đầy đủ. Ông Biden là một người ủng hộ thương mại tự do nhưng ông sẽ không nhanh chóng dỡ bỏ thuế quan và kế hoạch của ông là áp dụng chủ nghĩa bảo hộ quy mô nhỏ, ví dụ như bằng cách nhấn mạnh hàng hóa phải được vận chuyển trên các tàu của Mỹ. Điều đó sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ khó khăn trước mắt của ông: tạo ra một khuôn khổ mới để điều chỉnh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bao gồm việc thuyết phục các đồng minh của Mỹ ủng hộ ngay cả khi các nước này cũng đang muốn áp dụng chủ nghĩa bảo hộ.

Để biến Bidenomics thành hiện thực, trước tiên ông Biden vẫn cần phải giành chiến thắng vào tháng 11 tới, nên sự mơ hồ của ông là điều dễ hiểu. Nhưng có một rủi ro là ông tự tin sẽ chiến thắng và cho rằng chỉ cần đưa nền kinh tế quay lại tăng trưởng cũng như phục hồi các năng lực quản trị là sẽ đủ để đưa nước Mỹ đi đúng hướng. Nếu ông Biden muốn đổi mới nền kinh tế của Mỹ và đảm bảo Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới các nước giàu trong nhiều thập niên tới, ông cần phải táo bạo hơn thế. Trước ngưỡng cửa quyền lực, thị trường đang đặt câu hỏi ông Biden phải chăng cần "mạnh tay" và thể hiện tham vọng hơn?

(*) Cánh tả: định nghĩa một cách đơn giản, là một xu hướng chính trị dựa trên chủ nghĩa cào bằng (chủ nghĩa bình quân) với mục tiêu hướng tới sự bình đẳng cho tất cả mọi người bất chấp sự khác biệt về năng lực, đặc điểm cá nhân, khả năng lao động và thường sử dụng công cụ là sự can thiệp của Nhà nước với nền kinh tế.

Biden muốn “xử” toàn chuyện khó, Trump chỉ trích đối thủ chỉ “võ mồm”
Joe Biden thề xua tan “bóng tối” của thời đại Trump, trong khi Tổng thống đương nhiệm đã chuẩn bị một chương trình vận động cả nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư