Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 07 năm 2024,
Chính sách mới sẽ tạo động lực lớn cho Thủ đô phát triển
Nguyễn Lê - 23/07/2024 17:04
 
Luật Thủ đô mới đã cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay.
.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi giới thiệu Luật Thủ đô.

Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Thủ đô.

Gồm 7 chương và 54 điều, Luật Thủ đô và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Giới thiệu về đạo luật mới này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nêu rõ, mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Ông Khôi cũng nhấn mạnh quan điểm Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.

Quan điểm là bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô, ông Khôi nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, luật mới cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội và quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô đã được xử lý, thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô; nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô, ông Khôi cho hay.

Luật Thủ đô đã được sửa đổi nhiều lần, vậy lần này chính sách nào là đột phá nhất, khi luật có hiệu lực thì chính sách đó sẽ tạo ra sự thay đổi như thế nào cho Thủ đô, phóng viên Báo Đầu tư đặt câu hỏi.

Trả lời, đại diện Bộ Tư pháp nói, Thủ đô là Luật đặc thù, trong đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ đã thông qua 9 nhóm chính sách có nhiều nội dung đặc thù, vượt trội so với quy định hiện hành để đảm bảo cho Thủ đô phát triển.

Theo đó, luật có rất nhiều chính sách quan trọng nhất là các chính sách đặc thù, vượt trội, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho chính quyền Thủ đô, trong đó có quy định về tổ chức bộ máy, về  tài chính, về thẩm quyền đầu tư, thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng - chuyển giao… các chính sách đó sẽ tạo động lực lớn cho Thủ đô phát triển.

Theo Luật Thủ đô mới, Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD không giới hạn tổng mức vốn đầu tư, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên.

Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha đến dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, trừ dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BT trong lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Hà Nội: Sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống
Nửa cuối năm 2024, UBND TP. Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo chuẩn bị triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), sớm đưa Luật đi vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư