Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chính sách mới về bảo hiểm xã hội sẽ tác động đến ngân sách thế nào?
Nguyễn Lê - 18/10/2023 15:55
 
Kinh phí từ nguồn NSNN để đảm bảo thực hiện các chính sách mới, theo ước tính là là khoảng 2.006 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2025, sau đó tăng dần, đến năm 2030 là 4.675 tỷ đồng.
.
Ảnh minh họa.

Riêng chính sách điều chỉnh giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 80 tuổi xuống 75 năm thì kinh phí của của cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 20,5 nghìn tỷ đồng.

Đó là con số được tính toán tại báo cáo đánh giá tác động bổ sung về nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) và Quỹ Bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện đối với một số chính sách, quy định dự kiến sẽ làm phát sinh tăng ngân sách nhà nước tại dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Hồ sơ dự án luật này đã được gửi tới Quốc hội để cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu, khai mạc ngày 23/10 tới.

Tại dự thảo luật có một số chính sách, quy định làm phát sinh tăng ngân sách nhà nước gồm: điều chỉnh giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 80 tuổi xuống 75 năm; bổ sung chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng người lao động thuộc khu vực Nhà nước.

Về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, Chính phủ đề xuất công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của NSNN từng thời kỳ. Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

So với quy định hiện hành, dự thảo đã mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng/trợ cấp hưu trí xã hội là những người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng. Luật hiện hành quy định là đủ 80 tuổi trở lên.

Tại báo cáo đánh giá tác động bổ sung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính, số người từ đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng ước tính đến năm 2025 là khoảng 800.000 người và đến năm 2030 là khoảng trên 900.000 người.

Kinh phí dự kiến được xác định dựa trên số người hưởng và mức trợ cấp hằng tháng là 360.000 đồng/người/tháng. Với mức đó, kinh phí từ ngân sách để thực hiện trong 6 tháng năm 2025 là khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 20,5 nghìn tỷ đồng.

Nếu bao gồm cả kinh phí đóng bảo hiểm y tế thì kinh phí của năm 2025 (6 tháng) khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 21,5 nghìn tỷ đồng.

Trong trường hợp xác định dựa trên số người hưởng và mức trợ cấp hằng tháng tăng lên 500.000 đồng/người/tháng, ước tính kinh phí của năm 2025 (6 tháng) khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 30.000 tỷ đồng.

Về đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện (mức hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh), kinh phí cần thiết từ nguồn NSNN để đảm bảo thực hiện chính sách của năm 2025 (6 tháng) khoảng 81 tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025-2030 là 1.201 tỷ đồng.

Con số này được xác định theo mức ước tính năm 2025 sẽ có khoảng 80,7 nghìn người (trẻ em) được hưởng chính sách này, năm 2030 là 138 nghìn người.

Lần sửa đổi này, Chính phủ còn đề xuất bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Luật hiện hành mới chỉ cho nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc với hai chế độ là hưu trí và tử tuất.

Dự kiến kinh phí cần thiết từ nguồn NSNN để đảm bảo thực hiện chính sách này sẽ  tăng thêm NSNN khoảng hơn 62 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, việc bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dự kiến làm tăng kinh phí NSNN khoảng hơn 332 tỷ đồng/năm.

Tổng hợp kinh phí từ nguồn NSNN để đảm bảo thực hiện các đề xuất trên, theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  là khoảng 2.006 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2025, sau đó tăng lên lần lượt là 4.133 tỷ đồng, 4.260 tỷ đồng, 4.392 tỷ đồng, 4.530 tỷ đồng và 4.675 tỷ đồng vào các năm 2026, 2027, 2028, 2029, 2030.

Tuy nhiên, cơ quan xây dựng báo cáo giải thích,  đây không hoàn toàn là số tiền NSNN phải bố trí tăng mới. Lý do, người nghỉ hưu, BHXH hằng tháng, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995 bình quân mỗi năm giảm khoảng 34.000 người, tương đương NSNN giảm chi khoảng 2 nghìn tỷ đồng/năm.

Đồng thời, chi từ NSNN cũng giảm do giảm số tiền đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN cho công chức, viên chức, người lao động tham gia theo lộ trình tinh giảm biên chế khoảng 6.000 tỷ đồng.

“Thực tế, ngân sách nhà nước không phát sinh tăng chi mới nhiều. Phần giảm chi so với hiện hành khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cần được dùng để thiết kế các chính sách bảo hiểm xã hội khuyến khích người lao động tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW” – cơ quan chủ tri soạn thảo dự án luật giải thích.

Còn về tác động đến Quỹ BHXH và dự báo khả năng cân đối của quỹ này, Bộ cho rằng, Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014 đã có nhiều điều chỉnh nhằm đảm bảo khả năng cân đối lâu dài của quỹ BHXH, đặc biệt là quỹ hưu trí và tử tuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư