Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa nới lỏng
Vân Linh - 07/08/2023 09:37
 
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, từ nay đến cuối năm 2023, chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để nới lỏng, mà quan trọng hơn là đẩy mạnh chính sách tài khóa.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM.

Ông đánh giá thế nào về xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm?

Từ nay đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành sẽ không còn giảm nhiều, bởi dư địa của chính sách tiền tệ không còn lớn. Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt là Mỹ đang hẹp lại (lãi suất của Mỹ khoảng 5%, lãi suất tại Việt Nam khoảng 6-7%/năm). Điều này có rủi ro là dòng vốn bị đảo chiều, gây bất lợi lên tỷ giá, lạm phát có thể quay trở lại. Hơn nữa, việc giảm lãi suất dường như đang mang hiệu quả tại Việt Nam.

Có nghĩa là chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng, thưa ông?

Đúng vậy. Sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng và bão hòa. Trước đây, việc giảm 1% lãi suất sẽ góp phần đẩy tăng trưởng kinh tế (GDP) lên 1-1,5%. Nhưng bây giờ, có tiếp tục giảm lãi suất thì cũng sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

Vừa rồi, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nói rõ về việc này. Theo đó, chính sách tiền tệ đã làm hết sức, hết khả năng, giờ có nới thêm cũng không mang lại quá nhiều lợi ích đối với việc thúc đẩy tăng trưởng. Lý do là các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, hay nói cách khác là cung - cầu không gặp được nhau.

Tức là có nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng?

Thực tế, lãi suất hiện tương đối thấp và đã trở về mức trước thời kỳ đại dịch. Nhiều doanh nghiệp đã hết tài sản đảm bảo, không có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, khó chứng minh được dòng tiền, vướng nợ xấu…, không đủ điều kiện vay vốn. Vậy nên, lãi suất có giảm nữa thì doanh nghiệp cũng không vay được, thị trường lại đang khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến độ trễ của chính sách tiền tệ. Lãi suất điều hành đã giảm khá mạnh kéo theo lãi suất huy động giảm sâu, song lãi suất cho vay chưa giảm tuyệt đối ngay do dòng vốn giá cao mà ngân hàng huy động trước đây chưa được tiêu thụ hết.

Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh hơn trong thời gian tới sau khi các ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao, thưa ông?

Đúng vậy. Khi ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao, mặt bằng lãi suất sẽ giảm từ nay đến cuối năm. Đồng thời, ngân hàng cũng muốn kích cầu tín dụng trong nửa cuối năm nay, nên sẽ cạnh tranh về lãi vay.

Do đó, theo tôi, không nên giảm thêm lãi suất điều hành, vì có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế những tháng cuối năm. “Thuốc” chính sách tiền tệ chỉ đủ liều là được, nếu quá liều sẽ có tác dụng phụ. Nếu quá nới lỏng chính sách tiền tệ, thì sẽ có rủi ro lạm phát, tỷ giá…

Nếu chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, thì phải trả giá bằng lạm phát và áp lực tỷ giá. Ngược lại, nếu chạy theo thắt chặt lạm phát và ổn định tỷ giá bằng mọi giá, thì phải hy sinh tăng trưởng. Điều hành chính sách phải mang tính hài hòa và dự báo được, thì nền kinh tế mới tăng trưởng ổn định hơn.

Kinh tế còn nhiều rủi ro, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ ra sao nửa cuối năm?
Đảm bảo thanh khoản hệ thống, giảm thêm lãi suất, ổn định tỷ giá, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên… là trọng tâm điều hành chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư