Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Chính thức thông vốn tín dụng 2.500 tỷ đồng cho tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Anh Minh - 10/02/2025 18:36
 
Việc TPBank và Công ty cổ phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng ký hợp đồng tín dụng trị giá 2.500 tỷ đồng sẽ giúp tháo gỡ nút thắt tín dụng cho Dự án PPP cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Quang cảnh lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án
Quang cảnh lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.


Đây là khẳng định của ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tại buổi lễ ký kết Hợp đồng tín dụng cho Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng giữa Công ty cổ phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) diễn ra tại Hà Nội vào chiều nay.

“Trong vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần hợp tác giữa TPBank và Công ty cổ phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong việc thu xếp vốn tín dụng cho Dự án. Cùng với việc tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư, nhà thầu thông tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào cuối năm 2025, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét tăng phần vốn Nhà nước tham gia từ 49% lên khoảng 70% tổng mức đầu tư, góp phần cải thiện phương án tài chính của Dự án”, ông Lương Trọng Quỳnh khẳng định

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cùng cam kết sẽ cùng với Bộ GTVT, nhà đầu tư triển khai các phương án cải thiện lưu lượng xe cơ giới lưu thông trên tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng như tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng khi công trình này được đưa vào khai thác, hoàn vốn trong năm 2026.

“Chúng tôi đánh giá rất cao năng lực của Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng như tại PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Vừa qua, tỉnh cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Lạng Sơn – Thái Nguyên theo phương thức PPP”, ông Lương Trọng Quỳnh thông tin.

Được biết, trên cơ sở thẩm định và thông báo cấp tín dụng tài trợ vốn; ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, đặc biệt năng lực của các nhà đầu tư tham gia công trình, TPBank đã chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với tổng số vốn cam kết cho vay là 2.500 tỷ đồng.

Đại diện Công ty cổ phần Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cho biết, cùng với việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho Dự án, hợp đồng tín dụng với TPBank không chỉ thể hiện sự tin tưởng, mà còn khẳng định trách nhiệm của các bên trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu phía Bắc.

Đồng thời, đây cũng là tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ bài toán huy động vốn cho các dự án PPP tại những khu vực kinh tế còn nhiều thách thức.

Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank, trong thời gian vừa qua, ngân hàng này đã tài trợ khoảng 7.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông, trong đó 2 khoản vay lớn nhất chính là dành cho Dự án BOT cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Cả hai công trình này đều do Tập đoàn Đèo Cả đóng vai trò là nhà đầu tư chính, trong đó hiện tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo hiện có doanh thu rất tốt.

“Các dự án BOT đường bộ là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro do thời gian hoàn vốn kéo dài, phương án tài chính chịu nhiều tác động bởi yếu tố khách quan khiến các ngân hàng luôn rất ngần ngại khi cho vay. TPBank tham gia tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vừa là trách nhiệm của một doanh nghiệp dân tộc vừa do có một niềm tin lớn vào Tập đoàn Đèo Cả dù mới chỉ gặp trực tiếp ông Hồ Minh Hoàng vỏn vẹn 3 lần”, ông Đỗ Minh Phú cho biết.

Đầu tư tuyến cao tốc phải đảm bảo tuyến cao tốc đó sống. Dòng tiền ở dự án đến từ dòng người và dòng xe. Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng chỉ thành công khi có sự chung sức, chung lòng của tất cả các bên, lãnh đạo TPBank khẳng định, chỉ có sự kết hợp chặt chẽ với một niềm tin chiến lược giữa ba nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và ngân hàng chắn chắn sẽ đem lại “trái ngọt” cho các bên tại công trình đường cao tốc có thời gian hoàn vốn gần 22 năm này.

Theo ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kết quả hôm nay có được nhờ sự quan tâm của Tổng bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, tin tưởng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân, ngân hàng thương mai đã chia sẽ chung tay phát triển, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Vừa qua Tập đoàn Đèo Cả rất vinh dự nhận được sự ủng hộ và quan tâm của Đảng và Chính phủ khi ngay từ những ngày đầu năm, chúng tôi được tin tưởng giao tham gia chương trình an sinh xã hội thông qua việc xây dựng công trình Khoa khám bệnh và Điều trị - Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ và nghiên cứu xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 2 đoạn từ Tân Quang lên cửa khẩu Thanh Thủy. Điều này đã thể hiện sự ghi nhận, đánh giá rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với vai trò quan trọng của doanh tư nhân trong nền kinh tế đất nước.

Trong dịp Tết vừa qua, khi trực tiếp kiểm tra các dự án trọng điểm do Tập đoàn Đèo Cả tham gia xây dựng, đầu tư như: Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc TP. HCM - Chơn Thành – Thủ Dầu Một và mới đây là kiểm tra cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ cơ bản các nút thắt về thể chế, nguồn vốn tín dụng.

“Từ hành trình đã đi qua, chúng tôi luôn tâm niệm: Tự lực – Tự cường – Tự tôn dân tộc là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của Đèo Cả. Tận tâm – Tận lực – Tận hiến là cách chúng tôi cống hiến cho đất nước, không ngại gian nan, sẵn sàng đương đầu với những thách thức khó khăn nhất”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăngdài 60 km, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn.
Dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan có thẩm quyền, Liên danh Công ty Xây dựng Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Xây dựng công trình 568 - Công ty Lizen làm nhà đầu tư thực hiện.
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao mặt bằng được 392,15 /557,82ha (tương đương 70,32%), mặt bằng có thể tiếp cận thi công được trong phạm vi bàn giao 355,58 ha/557,82ha (tương đương 63,76%).
Để đưa Dự án về đích đúng tiến độ, các nhà thầu đã huy 907 nhân sự, 439 thiết bị triển khai đồng loạt trên 39 mũi thi công. Doanh nghiệp Dự án đặt mục tiêu thông tuyến trong năm 2025, với sản lượng dự kiến 4.623,53 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư