Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 09 năm 2024,
Chờ đợi tiêu thụ xi măng khởi sắc
Thế Hoàng - 04/09/2024 20:23
 
Chỉ thị mới nhất của Chính phủ nhằm gỡ khó về sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng với việc đẩy nhanh đầu tư công, nhà ở xã hội, các dự án bất động sản… được ngành xi măng mong chờ sẽ tạo đà cho tiêu thụ, cải thiện doanh thu những tháng cuối năm.
Ngành xi măng đang kỳ vọng các biện pháp gỡ khó của Chính phủ sẽ giúp đẩy mạnh tiêu thụ.  Ảnh: Đức Thanh

Hiệu quả kinh doanh thấp

Tín hiệu thị trường quý II/2024 tốt hơn quý I, giúp các doanh nghiệp xi măng trong nước cải thiện hoạt động bán hàng, kết hợp cắt giảm chi phí tài chính, nhờ đó một số doanh nghiệp đã giảm lỗ, có doanh nghiệp còn báo lãi, song hiệu quả kinh doanh nhìn chung vẫn thấp.

Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn vừa công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024, với doanh thu thuần bán hàng đạt 1.710 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, quý II, Vicem Bỉm đã có lãi trở lại 27 tỷ đồng sau nhiều tháng lỗ. Lũy kế 6 tháng 2024, doanh nghiệp vẫn lỗ 22,6 tỷ đồng, tuy nhiên, so với số lỗ 55,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, mức lỗ lũy kế này đã giảm hơn 32 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Vicem Bỉm Sơn, cung xi măng vẫn vượt xa cầu, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực dẫn đến các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt, giảm giá bán, phát triển sản phẩm mới để tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần.

Cùng với đó, giá bán xi măng có xu hướng giảm, trong khi giá nguyên, nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao, làm giảm hiệu quả kinh doanh. Xu hướng chuyển từ xi măng bao sang xi măng rời cũng làm giảm hiệu quả của doanh nghiệp do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao.

Cải thiện hiệu quả kinh doanh đáng kể nhất trong quý II là Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1). Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần quý II gần 1.909 tỷ đồng, lãi ròng gần 46 tỷ đồng. Lũy kế kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Vicem Hà Tiên đạt hơn 3.400 tỷ đồng, giảm 8%, lãi ròng đạt hơn 21 tỷ đồng.

Nhìn vào kết quả kinh doanh quý I/2024, khi doanh thu chỉ đạt hơn 1.585 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 24 tỷ đồng, Vicem Hà Tiên đã có sự “chuyển mình” ngoạn mục từ lỗ sang lãi. Tuy nhiên, lý do giúp Vicem Hà Tiên có lãi không phải do sự hồi phục về doanh thu, mà bởi chi phí lãi vay được tiết giảm mạnh. Doanh nghiệp này đã cắt giảm được chi phí lãi vay từ 70 tỷ đồng cùng kỳ, xuống chỉ còn 30 tỷ đồng.

Đó chỉ là số ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh được cải thiện, còn đa phần doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp khó khăn. Đơn cử, Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) lỗ hơn 36 tỷ đồng trong quý II/2024. Với việc cả 2 quý không có lãi, lũy kế 6 tháng, Vicem Bút Sơn lỗ ròng 92 tỷ đồng.

Còn Vicem Hải Vân (HOSE: HVX) ghi nhận doanh thu quý II/2024 hơn 97 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ, là quý kinh doanh thua lỗ thứ 5 liên tiếp của doanh nghiệp này. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm là do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý II giảm gần 48.000 tấn, trong đó, clinker giảm 27.800 tấn, tương ứng với giảm 31% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Vicem Hải Vân giảm 49% so với cùng kỳ, còn 152 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lỗ gần 30 tỷ đồng.

Nhu cầu yếu, cùng áp lực cạnh tranh trong và ngoài nước khiến bức tranh tài chính của các doanh nghiệp xi măng vẫn u ám. Theo thống kê tại 18 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán, trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp này lỗ trước thuế gần 110 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. 

Kỳ vọng các biện pháp gỡ khó của Chính phủ

Các doanh nghiệp ngành xi măng đang kỳ vọng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ sôi động trong những tháng còn lại của năm, nhờ đầu tư công được đẩy mạnh và phân khúc xây dựng dân dụng phục hồi trở lại.

Thống kê trong nửa đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ clinker và xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Với chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho vật liệu xây dựng, kỳ vọng tiêu thụ xi măng từ nay đến cuối năm sẽ có sức bật mới, giúp các nhà sản xuất bớt khó.

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành cần bám sát thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo; triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn miền núi, khu vực địa hình khó khăn…

PGS-TS. Lương Đức Long, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết: “Mấu chốt là tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng cơ bản để đẩy sản lượng xi măng tiêu thụ tăng lên, doanh nghiệp sản xuất mới có đầu ra”.

Một trong những chỉ đạo của Chính phủ được doanh nghiệp ngành xi măng chờ đợi là giao Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clinker, xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, gỡ khó cho xuất khẩu.

“Nếu thuế xuất khẩu clinker về 0% thay vì 10% như hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh trong xuất khẩu”, đại diện VNCA cho hay.

Thực tế, từ đầu năm 2023, khi thuế xuất khẩu clinker tăng lên 10% và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng 10%, dẫn đến giá clinker Việt Nam mất lợi thế đến 20% so với giá clinker của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, hệ quả là doanh nghiệp không xuất khẩu được.

Đề xuất giải pháp tăng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa doanh nghiệp
Cho rằng cầu tiêu dùng trong nước đang quá thấp, nguyên nhân khiến doanh nghiệp (DN) xi măng sản xuất cầm chừng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư