Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chờ dòng vốn từ doanh nghiệp Hoa Kỳ
Thế Hải - 09/10/2020 15:03
 
Năng lượng tái tạo, sản xuất ô tô, vận chuyển… là những lĩnh vực được doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đặc biệt khi tính chuyện đầu tư vào Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Ford Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Ford Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Nâng tầm đầu tư, thương mại

Hôm nay (9/10), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam 2020 diễn ra tại Hà Nội, với nhiều nội dung được bàn thảo, như năng lượng, kỹ thuật số, chuỗi cung ứng hậu Covid-19... Đây cũng là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm tại Việt Nam.

Theo thông báo của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi), những vấn đề trọng tâm được bàn luận trong Hội nghị gồm: thúc đẩy những chính sách đầu tư bền vững và có khả năng dự đoán trước; phát triển và đổi mới sáng tạo thông qua nền kinh tế kỹ thuật số; những vấn đề trọng yếu của phát triển năng lượng ở Việt Nam; điều hướng hệ thống cung ứng của châu Á và thị trường sản xuất hậu Covid-19…

Các tập đoàn, doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã trở thành một phần không thể thiếu của kinh tế Việt Nam trong 25 năm qua. Tính đến hết năm 2019, vốn đầu tư đăng ký của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, vốn thực hiện 7 - 8 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh, sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng không hề giảm sút. Vài tháng trước, 28 doanh nghiệp Hoa Kỳ thuộc các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, ô tô, sản xuất, công nghệ, logistics, thương mại điện tử, đồ uống, y tế, dịch vụ tài chính... đã tới thăm và làm việc tại Việt Nam để triển khai chương trình xúc tiến đầu tư và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.

Trung tuần tháng 8, tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa AmCham Vietnam và Nhóm Hỗ trợ xúc tiến nhanh cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam (VBI Fast Track), ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, quan hệ kinh tế giữa hai nước đang rất tốt đẹp và với sự tham gia của nhóm hỗ trợ này, việc đầu tư sẽ dễ dàng hơn.

Ra đời trong bối cảnh Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn, đáng tin cậy với nhà đầu tư nước ngoài, VBI Fast Track sẽ tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động kết nối doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Là nơi tập hợp những doanh nhân uy tín, có kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư quốc tế, VBI Fast Track có lợi thế là nắm bắt tốt nhu cầu, am hiểu thị trường.

Năng lượng sạch, ô tô, vận chuyển… đón vốn Hoa Kỳ

Thời gian qua, một số doanh nghiệp Hoa Kỳ như cho biết sẽ sớm công bố việc mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

Trong mảng năng lượng, mới đây, Công ty Millennium của Hoa Kỳ đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) cho phép khảo sát tại khu vực Vân Phong để nghiên cứu đầu tư tổ hợp dự án khí - điện.

Theo Millennium, Dự án Trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và Nhà máy điện (công suất 4.800 MW) có tổng vốn đầu tư ban đầu là 8 tỷ USD. Trong tương lai, Công ty sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600 MW và kho chứa lên 15 triệu m3, với vốn đầu tư 15 tỷ USD.

Một tên tuổi khác là Universal Alloy Corporation (UAC) - tập đoàn chuyên sản xuất và cung cấp linh kiện hàng không - đã chi hơn 170 triệu USD đầu tư Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Đà Nẵng.

Nhà máy có diện tích 16,7 ha, công suất thiết kế 12.470 tấn/năm. Trong đó, giai đoạn I được xây dựng trên diện tích 10,9 ha, được quy hoạch thành các phân khu sản xuất các bộ phận, chi tiết cho ngành hàng không vũ trụ, đã hoàn thành và cung cấp những lô hàng mẫu đầu tiên cho đối tác quốc tế... Dự kiến, giai đoạn II sẽ hoàn thành vào tháng 4/2023.

Hồi tháng 4/2020, Ford Việt Nam đầu tư thêm 82 triệu USD để nâng cấp, mở rộng Dự án Nhà máy sản xuất tại Hải Dương, chia thành 2 giai đoạn, triển khai từ năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2022. Sau khi hoàn tất đầu tư, công suất nhà máy sẽ được nâng từ 14.000 xe hiện nay lên 40.000 xe/năm.

Trao đổi về cơ hội đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, trước đó, đại diện AmCham đã chỉ ra những yếu tố thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, như sự phát triển tích cực của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, việc Việt Nam ký một loạt thỏa thuận mậu dịch tự do với các đối tác lớn.

Chia sẻ vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Alex Feldman cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang rất quan tâm đến cơ hội đầu tư tại ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Còn Giám đốc điều hành AmCham Hanoi đánh giá, trong khi doanh nghiệp Hoa Kỳ cân nhắc nhiều hơn về khả năng ứng phó của chính phủ các nước với Covid-19, thì Việt Nam đã ghi điểm nhờ thực hiện hiệu quả công tác này.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam 2020, với chủ đề “Đối tác tin cậy. Thịnh vượng bền lâu”, do AmCham Hanoi phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo trong khu vực tư nhân đến từ Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước trong khu vực.

Một số diễn giả khác tham gia phát biểu trực tuyến như các cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry, Madeleine Albright; cựu Bộ trưởng Bộ Ngân khố và Chủ tịch Công ty Warburg Pincus Timothy Geithner…
Doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) thông tin như vậy tại “Diễn đàn Thương mại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư