Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chợ trái phiếu doanh nghiệp: Tấp nập, công khai lách luật mời gọi cá nhân
Hà Tâm - 24/09/2021 14:38
 
Để lách quy định cấm bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, nhiều nhân viên ngân hàng, công ty bảo hiểm nhận “làm giúp” nhà đầu tư giấy chứng nhận giả.

Gật đầu mua trái phiếu, được “phù phép” thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

Trên các trang mạng xã hội, quảng cáo chào bán trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện dày đặc với lãi suất hấp dẫn, dao động từ 10-12%/năm, tiêu biểu như trái phiếu của Tân Hoàng Minh, VSET Group…

Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, trái phiếu riêng lẻ chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chyên nghiệp (giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên). Tuy nhiên, nhân viên của các ngân hàng, các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp phát hành đều khẳng định, chỉ với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào cũng đều có thể mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, phía đơn vị phân phối sẽ “lo giúp” chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khách hàng.

Trên các trang mạng xã hội, quảng cáo chào bán trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện dày đặc với lãi suất hấp dẫn, dao động từ 10-12%/năm (Ảnh minh họa)

Chị Thu Hương, một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội cho hay, tham gia một hội nhóm đầu tư trên mạng xã hội, chị được nhân viên của một công ty giáo dục mời chào mua trái phiếu doanh nghiệp của công ty này với lãi suất 12,5%/năm, tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Công ty cổ phần Giáo dục Igarten do Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) làm đại lý phát hành.

“Khi tôi cho biết mình không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhân viên này cho hay, sẽ hỗ trợ miễn phí giúp tôi giấy chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, dù chi phí  làm giấy chứng nhận này lên tới 15 triệu đồng (?)”, chị Hương nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư (trong vai một khách hàng cá nhân có nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp), nhân viên ngân hàng T. cho hay, theo quy định, chỉ nhà đầu tư cá nhân mới được mua trái phiếu doanh nghiệp, song ngân hàng sẽ đứng ra làm đầu mối hỗ trợ khách hàng xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khách hàng chỉ phải trả chi phí 2,7 triệu đồng.

Thông thường, việc “chạy” giấy chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ được các nhân viên chào bán trái phiếu doanh nghiệp tư vấn riêng cho khách hàng. Tuy nhiên, không ít nhân viên chào bán trái phiếu của Tập đoàn T., Tập đoàn S… vẫn công khai thông tin miễn phí giấy chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khách hàng trên mạng xã hội.

Việc công khai lách luật chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về tài chính doanh nghiệp đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Khó siết lách luật bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân

Theo Bộ Tài chính, nửa đầu năm nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, phát hành ra công chúng 15.375 tỷ đồng. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp giảm từ mức gần 13% năm 2020 xuống chỉ còn 6% nửa đầu năm nay. 

Tuy vậy, trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư tổ chức chỉ là “tay to” buôn trái phiếu doanh nghiệp, đích ngắm cuối cùng là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Con số nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp sẽ cao hơn nhiều con số 6%.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản cảnh báo về việc hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó, Bộ Tài chính cảnh báo, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Bộ Tài chính đã nắm bắt được hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về trái phiếu của các tổ chức cung cấp dịch vụ để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính lưu ý, tổ chức cung cấp dịch vụ trái phiếu không chào mời, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, bằng mọi giá. Đồng thời, Bộ cũng cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp.

Việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp được nhiều chuyên gia đồng tình. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư cá nhân nếu chỉ nhìn vào yếu tố lãi suất để mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ dễ “ngấm đòn” sau này, nhất là khi dịch Covid-19 đang tác động rất xấu đến tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, tước quyền mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân là không hợp lý. Thay vì cấm đoán, cần phải có giải pháp giúp nhà đầu tư nhận diện rõ rủi ro từng loại trái phiếu doanh nghiệp (ví dụ trái phiếu của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm hay không xếp hạng tín nhiệm, được bảo lãnh hay không bảo lãnh…) để tự quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình.

Ở Việt Nam, việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân đã được khắc phục trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, những cải thiện về khuôn khổ quản lý và giám sát vẫn cần phải tiếp tục thực hiện. Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thời gian tới, Việt Nam nên có các giải pháp như: rút ngắn quy trình phát hành trái phiếu phát hành đại chúng, tăng cường minh bạch thông tin, áp dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường thứ cấp…

- Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB)
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp vọt tăng trong quý II, rủi ro bắt đầu hiện hữu
Trong quý II/2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cao gấp 3,7 lần so với quý II/2021, thị trường tiếp tục sôi động song rủi ro cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư