Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cho vay lúa gạo, thủy sản bất ngờ tăng trưởng mạnh
Thùy Liên - 15/09/2023 16:43
 
Dư nợ tín dụng ngành thủy sản tăng 8,5% và tín dụng ngành lúa gạo tăng 9% trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản, lãi suất cho vay thấp, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp khả quan.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính tới cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực này tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản - là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yêu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.

Mặc dù vậy, bà Giang cũng cho rằng, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp, trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới, sự liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi các đợt nước biển dâng, xâm nhập mặn và mưa lũ, sạt lở đất.

Thứ hai, nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông.

Thứ ba, vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ tư, chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng.

Thứ năm, hiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng.

Cuối cùng, bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, gia tăng áp lực lạm phát, tỷ giá, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào, xăng dầu leo thang; cầu tiêu dùng thế giới giảm, thị trường tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp; thị trường mới thiếu ổn định gây khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp tín dụng cho khu vực.  

Khuyến khích ngân hàng cho vay lúa gạo tín chấp trên cơ sở quản lý dòng tiền
NHNN vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện một số nội dung đẩy mạnh cho vay thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư