Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cho vay vướng nợ xấu: Ngân hàng bị nhìn như người đi ô tô, bên vay như người đi bộ
Hà Tâm - 13/07/2022 16:41
 
Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện có quan niệm rất "khác người" khi tranh chấp nợ xấu: Coi ngân hàng như người lái ô tô - luôn sai, bên đi vay như người đi bộ, luôn là nạn nhân.

Nợ xấu vẫn đang là vấn đề nóng bỏng của các ngân hàng trong khi việc xử lý nợ xấu gặp nhiều vướng mắc vì chưa được luật hóa.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, so với quốc tế, việc luật hóa nợ xấu ở VIệt Nam quan trọng hơn nhiều, bởi tư duy về ngân hàng ở Việt Nam “rất khác người”. Nguyên nhân là ở nước ta, đa số các quan điểm hiện nay ủng hộ bên đi vay nhiều hơn bên cho vay, tức là  mối quan hệ không được bình đẳng, cho nên mỗi khi xử lý nợ xấu đưa ra tòa, tổ chức tín dụng thường được coi là bên có lỗi. Đây là thực tiễn bởi vì nằm ở vấn đề tư duy.

“Tôi hay nói vui với anh em, đây giống như coi bên đi vay là người đi bộ còn bên cho vay là người đi ô tô, kiểu gì ông cũng có lỗi. Tư duy đó tôi nghĩ là phải thay đổi. Nếu không chúng ta mãi mãi không giải quyết được câu chuyện xử lý nợ xấu”, TS. Lực chỉ ra thực tế.

Hiện nay, quy trình luật hóa nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành gấp rút để sớm trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2023.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng kiến nghị: “Muốn sửa gì thì sửa nhưng cần có một nhận thức đầy đủ. Ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, họ là doanh nghiệp đặc biệt, họ kinh doanh mặt hàng đặc biệt là tiền, cần đối xử công bằng, đúng như các doanh nghiệp. Như anh Lực nói đúng thôi, đừng nghĩ họ là một ô tô to, mình là ô tô nhỏ, xe bentley đi cạnh cooper Trung Quốc, nếu nghĩ như vậy kiểu gì cũng sai”.

Theo các chuyên gia, để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho xử lý nợ xấu, ngoài luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42, cần mở rộng thêm một số vấn đề như: vai trò của VAMC; vấn đề phá sản doanh nghiệp; thị trường mua bán nợ...   

Theo khảo sát của TS. Lực, nhiều nước trên thế giới không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu nhưng luật pháp của họ rất mạnh; hiệu lực hiệu quả rất rõ rệt. Trong khi đó, pháp luật nước ta còn chồng chéo, hiệu quả thực thi chưa tốt.

Đơn cử như vấn đề phá sản doanh nghiệp. Muốn xử lý nợ xấu tốt thì khung khổ pháp luật giải quyết phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam chúng ta phải tốt hơn. Tuy nhiên ở Việt Nam, chuyện giải quyết phá sản quá chậm cũng khiến cho giải quyết nợ xấu chậm vì doanh nghiệp không chịu phát mãi tài sản, thanh lý tài sản nên không có nguồn lực để xử lý các khoản nợ xấu. 

Ngân hàng có thêm thời gian xử lý nợ xấu
Việc kéo giãn thời gian xử lý nợ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư