Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chớp cơ hội ưu đãi giá, dự án điện mặt trời đua về đích
Hoàng Minh - 25/04/2019 10:22
 
Hàng loạt dự án điện mặt trời đang mở hết tốc lực để về đích trước ngày 30/6/2019, nhằm hưởng mức giá ưu đãi tương đương 9,35 UScent/kWh trong thời gian 20 năm.
Dự án Điện mặt trời Xuân Thọ (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Đức Thanh
Dự án Điện mặt trời Xuân Thọ (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Đức Thanh

Động lực từ giá

Nhà máy Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 tại Long An là dự án thứ 6 của Tập đoàn Thành Thành Công đã chính thức được công nhận đạt điều kiện phát điện thương mại trước thời điểm 30/6/2019.

Có công suất lắp đặt 49 MWp (công suất phát điện là 40,8 MW), TTC Đức Huệ 1 được khởi công xây dựng vào tháng 8/2018 và đã hoàn tất mọi thí nghiệm để được công nhận bắt đầu vận hành thương mại vào ngày 20/4/2019, với tính toán đạt 72 triệu kWh điện/năm.

Ông Phạm Chương Dương, Giám đốc dự án cho hay, liên doanh nhà thầu của Dự án là Sharp Corporation và Hawee Industrial JSC đã thực hiện thi công trong khoảng 10 tháng và cam kết hiệu suất tấm pin giảm 0,7%/năm, tuổi thọ cơ khí của dự án là 20 năm, khi hết hạn sử dụng nhà thầu sẽ thu hồi các tấm pin mặt trời.

“Sau Nhà máy Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 sẽ có một dự án khác của Tập đoàn đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019. Như vậy, Thành Thành Công có 7 nhà máy điện mặt trời vận hành trước thời điểm trên”, ông Dương cho hay.

Cũng đang mở hết tốc lực để về đích trước ngày 30/6/2019, Dự án Điện mặt trời Euro Plast tại Long An có quy mô công suất 50 MWp cũng đang khẩn trương hoàn thành các bước xây dựng cuối cùng và chuẩn bị nghiệm thu.

Có tổng mức đầu tư ban đầu 1.157 tỷ đồng, Dự án do Công ty cổ phần Nhựa châu Âu làm chủ đầu tư và sau đó đã chuyển giao cho Công ty Sao Mai tiếp tục thực hiện.

“Theo tính toán, với sản lượng điện 70 - 80 triệu kWh/năm, doanh thu của dự án điện mặt trời này khoảng 160 tỷ đồng/năm”, đại diện nhà đầu tư cho hay.

Có quy mô vào hàng khủng nhất tại Việt Nam hiện nay phải kể tới các dự án năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3 của Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh, với tổng công suất thiết kế 500 MW. Các dự án này có quy mô đầu tư gần 12.760 tỷ đồng, sử dụng 720 ha đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng thuộc các xã Tân Hưng, Tân Phú (huyện Tân Châu) và xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), do Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) góp vốn đầu tư. Nhà thầu thi công 3 dự án này là Power China (Trung Quốc).

Ông Vũ Hùng Cường, Chỉ huy trưởng công trường, đại diện cho chủ đầu tư cho hay, Dự án đã sẵn sàng lên lưới điện quốc gia 150 MW đầu tiên và cố gắng trong thời gian từ ngày 15/5 đến ngày 30/6/2019 sẽ hòa lưới toàn bộ các nhà máy còn lại.

Khi đi vào hoạt động, 3 dự án điện mặt trời Dầu Tiếng ước tính sẽ mang lại doanh thu 350.000 - 400.000 USD/ngày, tương đương xấp xỉ 1 tỷ USD trong suốt 20 năm hoạt động.

Điểm dễ nhận thấy nhất ở các dự án này chính là hiệu quả rõ ràng khi được mua điện với mức 9,35 UScent/kWh. Chính bởi mối lợi nhìn thấy rõ này mà các dự án điện mặt trời đã thi công đang cố gắng về đích trước ngày 30/9/2019.

Tính tới thời điểm ngày 21/4/2019, đã có 606,4 MW điện mặt trời đã hoàn tất các thí nghiệm để bước vào vận hành thương mại và hưởng mức giá ưu đãi.

Dừng cơn sốt

Trong dự thảo mới nhất đang được Bộ Công thương gửi sang Bộ Tư pháp lấy ý kiến trước khi chính thức trình Thủ tướng Chính phủ, giá điện mặt trời sẽ có những thay đổi đáng kể so với trước thời điểm ngày 30/6/2019.

Dự thảo này cũng được các nhà phát triển điện mặt trời bàn luận sôi nổi bởi cho rằng, thay đổi này sẽ là nguyên nhân tạm dừng cuộc chơi với điện mặt trời do giá không còn hấp dẫn ở nhiều vùng.

Trên thực tế, đã có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch điện các cấp với tổng công suất vận hành là 9.420 MWp đến năm 2030. Ngoài ra, có 210 dự án khác với tổng công suất 16.560 MWp đang được xin bổ sung vào quy hoạch điện.

Cũng trong dự thảo này, tỉnh Ninh Thuận sẽ được gia hạn thời điểm hưởng giá điện ưu đãi 9,35 UScent/kWh tới trước ngày 1/1/2021. Cụ thể, chỉ các dự án điện mặt trời mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp với tổng công suất không quá 2.000 MW sẽ được hưởng mức giá này.

Như vậy, nếu quyết định này được chính thức ban hành và có điều khoản trên, thì các nhà máy điện mặt trời đang đủng đỉnh xây dựng ở Ninh Thuận mới có đủ điều kiện pháp lý để được hưởng mức giá ưu đãi.

Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cho thấy, tỉnh Ninh Thuận hiện có 31 dự án với công suất vận hành dự kiến là 2.195 MW đã được bổ sung quy hoạch điện các cấp. Tuy nhiên, cũng còn có 21 dự án khác với công suất 1.470 MW đang xin bổ sung quy hoạch.

Dẫu vậy, nhiều chủ đầu tư cho hay, điều lo lắng nhất hiện nay là không có lưới truyền tải để giải phóng sản lượng điện mặt trời đã được xây dựng. Có trường hợp ở khu vực Ninh Thuận, nhà máy điện mặt trời được xây dựng xong trong năm 2019, nhưng tới năm 2021 mới có đường dây tải điện để kéo điện mặt trời lên lưới điện quốc gia.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ninh Thuận hiện có 11 dự án lưới điện đang được lên danh sách để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo ở đây, nhưng chỉ có 3 dự án đang thi công, còn lại đang ở các bước thủ tục hành chính. Tổng vốn đầu tư cho các dự án lưới điện ở khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận hiện là 15.000 tỷ đồng và thu xếp cũng không thể ngày một, ngày hai.

Mở cơ hội chinh phục triệu mái nhà với điện mặt trời BigK
Tiềm năng là điều đã thấy rõ khiến thị trường điện mặt trời năm vừa qua liên tục tăng nhiệt và nóng hơn bao giờ hết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư