Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chốt phương án gỡ khó cho dự án tỷ USD của Winvest
Hồng Sơn - 06/09/2017 07:55
 
Vướng mắc trong thay đổi về cách tính tiền thuê đất là lý do mà Tập đoàn Winvest (Hoa Kỳ) đưa ra giải thích về sự chậm tiến độ của Dự án Khu nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel. Song, hiện chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chốt được các phương án tháo gỡ vướng mắc này.

Dự án khủng đầu tư kiểu… rùa bò

Dự án Khu nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại khu vực Cửa Lấp - Chí Linh (TP. Vũng Tàu) do Công ty TNHH Winvest Investment thuộc Tập đoàn Winvest (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 4/2006. Không chỉ có vốn đăng ký khủng (4,1 tỷ USD), mà theo đề xuất, Dự án sử dụng tới 307 ha trên đất liền và 610 ha phần lấn biển.

Nhưng sau hơn 11 năm được cấp phép, hình hài của dự án khủng này vẫn chỉ là những bãi đất hoang, cây cỏ mọc um tùm, những hồ nước vắng lặng… Hoành tráng nhất có thể nói chỉ là tấm biển quảng cáo cỡ lớn giới thiệu về Dự án.

.
.

Lý do chính mà chủ đầu tư nêu ra nhằm giải thích cho việc chậm triển khai Dự án là bởi những vướng mắc phát sinh trong cách tính tiền thuê đất. Cụ thể, năm 2007, Công ty TNHH Winvest Investment đã ứng 98 tỷ đồng tiền thuê đất để chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2012, tỉnh mới bàn giao cho nhà đầu tư 87/307 ha phần đất liền của Dự án.

Theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư phải đóng tiền thuê đất tính vào thời điểm giao đất. Với quy định này, giá đất thực tế tại thời điểm giao đất cho chủ đầu tư đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm nhà đầu tư ứng tiền. Theo chủ đầu tư, số tiền phát sinh quá lớn làm ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch triển khai dự án, nên họ đã nhiều lần kiến nghị được cho phép thanh toán tiền thuê đất áp dụng vào thời điểm năm 2007.

Ba phương án gỡ khó

Tháng 5/2017, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát hồ sơ của các trường hợp phát sinh trên địa bàn trước thời điểm 1/7/2014. Đồng thời, UBND tỉnh phối hợp với Bộ xem xét, xử lý từng trường hợp theo nguyên tắc: số tiền đã ứng trước được quy đổi ra diện tích hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên cơ sở mặt bằng giao đất từng năm tương ứng phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng theo tiến độ hàng năm. Đối với phần diện tích đất còn lại, vẫn thực hiện thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sẽ có 3 phương án để nhà đầu tư lựa chọn: áp dụng cách tính tiền thuê đất như trước đây (trước khi có Nghị định số 69) cho phần đất đã giao trước năm 2009, phần còn lại áp dụng theo quy định mới; nếu nhà đầu tư không đồng ý, thì sẽ yêu cầu trả thêm 100 tỷ đồng nữa để lấy gần 44 ha đất của giai đoạn đầu đã giải phóng mặt bằng và chỉ dừng lại đầu tư ở 44 ha, phần còn lại trả lại để tỉnh tìm nhà đầu tư khác làm tiếp.

Nếu nhà đầu tư không chấp nhận cả 2 phương án trên, thì tỉnh trả lại 98 tỷ đồng cho nhà đầu tư, rồi lấy lại đất để tìm nhà đầu tư mới. Theo ông Hải, phương án như vậy, nhưng cũng cần có ý kiến của nhà đầu tư trước khi chính quyền đưa ra quyết định. Tuy nhiên, việc này phải làm sớm, không thể kéo dài thêm nữa.

Rà soát lại đề xuất Dự án tuyến đường bộ ven biển qua Hải Phòng và Thái Bình
Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát lại đề xuất dự án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư