Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Chủ doanh nghiệp là dân kỹ thuật làm sao để thoát khỏi mớ bòng bong quản lý
Phi Vũ - 12/03/2016 14:32
 
Nhiều chủ doanh nghiệp sau một thời gian khởi nghiệp kinh doanh đã gặp rắc rối trong vấn đề điều hành, quản trị. Các trường hợp xảy ra thường rơi vào các doanh nghiệp có tuổi đời dưới 5 năm, nhà sáng lập phần lớn là những người xuất thân từ người làm kỹ thuật.

Vài tháng  nay, anh V., nhà sáng lập Công ty Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) có trụ sở tại TP.HCM khá căng thẳng. Mấy năm trước khi thị trường nhiều việc, doanh thu công ty tăng trưởng tốt, mọi chuyện khá êm đẹp. Còn nay, thị trường bị thu hẹp, doanh thu công ty sụt giảm, tuy chưa đến mức báo động, nhưng anh V. rất lo lắng với cách quản trị hiện tại. Đa số nhân viên không thực hiện đúng quy trình, số có kỹ năng tốt sau thời gian đào tạo lại nhảy việc. Bản thân quy trình của công ty cũng cần cải thiện nhưng anh V. cho hay, còn quá nhiều việc phải bận tâm hơn.

Anh V. cũng tìm kiếm các khóa học nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa  chọn được vì phần lớn các trung tâm đào tạo doanh nhân hiện nay tập trung vào những ngành như bán lẻ, sản xuất. Thực tế mà anh V. đang gặp phải với doanh nghiệp của mình được ông Nguyễn Dương Huy Vũ, Giám đốc Điều hành Fibo, đơn vị cung cấp công nghệ nhắn tin SMS cho rằng, đây là trường hợp chính ông đã gặp phải và khá phổ biến đối với các doanh nghiệp trong ngành CNTT.

Các ông chủ công ty CNTT thường gặp rắc rối trong quản trị doanh nghiệp khi mở rộng quy mô.
Các ông chủ công ty công nghệ thông tin thường gặp rắc rối trong quản trị doanh nghiệp khi mở rộng quy mô.

Vốn là dân kỹ thuật, các ông chủ của nhiều công ty công nghệ thông tin thường gặp rắc rối với các vấn đề về quản trị doanh nghiệp khi công ty tiến hành mở rộng quy mô hay thị trường có biến. Nguyên nhân chính là bởi thiếu kiến thức quản trị doanh nghiệp. Bởi vậy, ông Vũ cho rằng, để thoát khỏi mớ bòng bong này, chủ doanh nghiệp cần xác định được điểm mạnh và yếu của mình để bổ sung và cải thiện.

Có 2 cách giải quyết được ông Vũ đưa ra.

Theo hướng tự giải quyết, chủ doanh nghiệp phải là người biết điều phối hoạt động của các bộ phận trong công ty một cách hiệu quả nhất. Điều này đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có kiến thức trong các khâu kế toán, tiếp thị, bán hàng…ngoài chuyên môn kỹ thuật vốn có của mình. Khi xác định được các thế mạnh và yếu, họ nên tham gia vào các khóa học quản trị vì trải nghiệm trong công việc bấy lâu sẽ giúp họ “thẩm thấu” kiến thức nhanh hơn. Tuy nhiên đổi lại, các chủ doanh nghiệp buộc phải trả giá bằng thời gian khi làm theo cách này. Cũng phải nói thêm, việc học tốt và thực hành tốt không phải là điều đơn giản, có thể mất vài năm.

Nếu chọn cách tập trung vào những thế mạnh của mình, khâu nào yếu sẽ đi thuê ngoài, hoặc liên kết, hợp tác, hoặc nhờ chuyên gia tư vấn, hay sáp nhập với một công ty trong cùng ngành, chủ doanh nghiệp có thể đẩy nhanh thời gian giải quyết vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Ông Vũ cho biết, năm 2015, Fibo sáp nhập bộ phận cho thuê hosting và thiết kế web với Công ty Mắt Bão. Điều này giúp Fibo tinh giản bộ máy và tập trung vào lĩnh vực là thế mạnh đồng thời cũng đem lại hiệu quả nhất là SMS.

Tất nhiên, cách này buộc ông Vũ và những người lãnh đạo doanh nghiệp phải tính tới thực tế vai trò của họ bị mờ nhạt trong chính doanh nghiệp mình “mang nặng, đẻ đau”, nhất là khi được sáp nhập vào một doanh nghiệp vốn ổn hơn về quy trình vận hành và con người. Đó là chưa kể, nhiều nhân viên cũ sẽ buộc phải ra đi sau vì không có chỗ dành cho họ sau khi doanh nghiệp tái cơ cấu, sáp nhập, trong đó có cả những "công thần" của công ty.

Trước thực tế này, nhiều chủ doanh nghiệp sẽ chần chừ do không biết phải ứng xử ra sao với đội ngũ đã đi theo mình bấy lâu. Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, ở trong hoàn cảnh này, các ông chủ cần tỉnh táo để hiểu rằng, chủ doanh nghiệp không giỏi hết mọi khâu trong doanh nghiệp và khả năng của họ cũng cho giới hạn. Trong khi đó, sự lớn mạnh của công ty phụ thuộc rất lớn vào việc có được bộ máy điều hành tinh thông, biết việc.

Theo ông Vũ, đa phần những người làm kinh doanh có 5 mục đích, gồm được học hỏi, được vui thú làm việc, ổn định tài chính ở mức cao, phát triển những ý tưởng kinh doanh mới với thời gian trả giá ngắn nhất và được làm chủ một công ty.

“Đến một lúc nào đó, người ta chỉ cần các tiêu chí đầu là quan trọng, còn việc trở thành ông chủ công ty của chính mình sẽ không quá quan trọng”, ông Vũ nói.

Đừng để người khởi nghiệp cô đơn
Đừng để người khởi nghiệp cô đơn là một trong các thông điệp được khá nhiều các diễn giả là nhà đầu tư, giám đốc điều hành các công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư