Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Hà Nội: Triển khai cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 phải mang lại giá trị thiết thực
Minh Hồng - 18/07/2023 11:56
 
TP. Hà Nội tổ chức triển khai 3 trụ cột: Cải cách hành chính - Chuyển đổi số - Đề án 06 tại từng sở, ngành, UBND các cấp phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp…

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn TP. Hà Nội, do UBND TP. Hà Nội tổ chức, chiều 17/7.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo tổ chức triển khai 3 trụ cột: Cải cách hành chính - Chuyển đổi số - Đề án 06 tại từng sở, ngành, UBND các cấp phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực...

Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh của Hà Nội tăng 23 bậc

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức nghiêm túc, sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 TP. Hà Nội, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Hà Nội đã có bước tiến triển rất cụ thể trong hành trình chuyển đổi số, từ xếp thứ 43/63 địa phương, đến năm 2022 xếp thứ 20/63 địa phương về chuyển đổi số, tăng 23 bậc.

Về một số vấn đề TP. Hà Nội cần quan tâm trong nhiệm vụ chuyển đổi số từ nay đến năm 2025, ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, TP. Hà Nội phải thường xuyên rà soát, quản lý các kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số một cách hợp lý, thực hiện đúng mục tiêu, định hướng. Đồng thời, sớm kiện toàn, củng cố trung tâm điện toán đám mây của thành phố vì nếu không có hạ tầng này, mọi thứ sẽ chỉ trên giấy tờ. 

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng cần sớm có văn bản quy định nhiệm vụ chuyển đổi số cho Sở Thông tin và Truyền thông để đảm bảo về nhân lực số cho TP; sớm triển khai cổng dữ liệu mở; nâng cao chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến mang lợi ích cụ thể, đột phá cho người dân…

Báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng năm 2023, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, về công tác cải cách thủ tục hành chính, UBND TP. Hà Nội đã ban hành 30 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính mới, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ; phê duyệt 857 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. 

Tính đến ngày 10/6/2023, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Hà Nội là 1.875 thủ tục hành chính, trong đó cấp Sở, cơ quan tương đương Sở là 1.385 thủ tục, cấp huyện là 339 thủ tục và cấp xã là 151 thủ tục. Các sở, ngành thành phố đã phê duyệt 428 quy trình; các quận, huyện, thị xã ban hành 1.684 quy trình; cấp xã ban hành 2962 quy trình và 113 quy trình liên thông cấp xã…

Báo cáo nhanh về việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước công dân cho nhân dân, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật...

Tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện 3 trụ cột

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP đã nhận thức đúng đắn về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06; 

Các sở, ngành, UBND các cấp đã hiểu rõ về tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được quan tâm, đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, công tác cải cách hành chính của TP có nhiều chuyển biến. Chỉ số cải cách hành chính của Thủ đô luôn đứng trong top 10 các tỉnh, TP qua nhiều năm và đặc biệt có sự thay đổi vượt bậc trong năm 2022 (đứng vị trí số 3/63 tỉnh thành, vượt 7 bậc so với năm 2021). 

Cùng với đó, dịch vụ công trực tuyến được TP. Hà Nội tập trung đẩy mạnh, trong đó, đã xác định được hơn 1.200 thủ tục hành chính đủ điều kiện tái cấu trúc, xây dựng dịch vụ công trực tuyến toàn trình/một phần. 

TP. Hà Nội đã thực hiện phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP. Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh của TP. Hà Nội tăng vượt bậc so với năm 2021 (tăng 16 bậc); công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thực hiện theo quy định.

Bên cạnh nhận thức đúng đắn lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương, ông Trần Sỹ Thanh cũng cho rằng cần thay đổi phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số. “Khi nào chúng ta còn “khoán trắng” cho tin học, cán bộ tin học, trung tâm tin học thì lúc đó chúng ta còn thất bại. Khi nào nhận thức được chuyển đổi số là “sống còn”, bản thân chúng ta phải tự muốn đổi mới trong từng lĩnh vực, từng khâu để nâng suất cao hơn thì khi đó chúng ta mới thành công được. Đây là mức độ chuyển biến nhận thức thứ hai”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Về quan điểm của UBND TP. Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh cho biết: cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian tới, phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn số lượng; ưu tiên phát triển dữ liệu; ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. 

“Phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực. Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tổ chức triển khai 3 trụ cột: Cải cách hành chính - Chuyển đổi số - Đề án 06 tại từng sở, ngành, UBND các cấp phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói. 

Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, các cơ sở dữ liệu là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh; phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các đơn vị của TP, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn TP để kết nối, chia sẻ phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Đề án 06 nói riêng và cải cách hành chính và chuyển đổi số nói chung. Đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời gian tới. 

TP. Hà Nội bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ triển khai Đề án 06 nói riêng, cải cách hành chính và chuyển đổi số nói chung.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP sẽ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Các Sở, ngành tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. 

TP. Hà Nội cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, chuyển từ thụ động sang chủ động; Đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Đẩy mạnh xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành; Đẩy mạnh bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay: TP. Hà Nội sẽ huy động nguồn lực cho cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông tạo đồng thuận xã hội, tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có Quyết định tặng Bằng khen cho 24 tập thể, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thời gian qua.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư