Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Chú trọng 3 trụ cột trong phát triển AI
Hữu Tuấn - 01/09/2024 08:31
 
Trong cuộc đua khốc liệt để trở thành quốc gia tiên phong về trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam gặp thách thức không hề nhỏ. Để đạt mục tiêu phát triển AI, cần chú trọng 3 trụ cột là con người, tài nguyên và công cụ.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của đất nước

Đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Một cuộc đua về AI và AI tạo sinh (GenAI) đang diễn ra giữa các tập đoàn công nghệ và các quốc gia trên thế giới. Năm 2023, tổng số tiền các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào GenAI lên tới 25,23 tỷ USD, tăng gần 9 lần so với năm 2022. Thị trường này đạt 196 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm 37,3%. Dự báo tăng trưởng của AI giai đoạn 2023 - 2030 khoảng 20 lần.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của đất nước. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN.

Công nghệ AI đang góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống con người, góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và kinh tế số nói riêng. Tuy nhiên, công nghệ AI cũng đặt ra những thách thức về quản lý như vấn đề đạo đức AI, phát triển AI có trách nhiệm. Chính phủ định hướng phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, AI có trách nhiệm, đạo đức trong AI đang là vấn đề nghị sự toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Đây không đơn thuần là vấn đề học thuật, cũng không đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà liên quan đến sự phát triển của con người, của quốc gia và nhân loại. Đạo đức và trách nhiệm trong AI nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện và ứng dụng. Vì vậy, vấn đề này phải được quan tâm ngay từ khâu xây dựng hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành.

GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học VinBigdata chia sẻ, phát triển và ứng dụng GenAI tại Việt Nam gặp phải một số trở ngại. Đó là việc tạo ra một số nội dung có độ thuyết phục cao, nhưng lại thiếu khách quan, sai lệch với thực tế hoặc hoàn toàn vô nghĩa. Hay biểu hiện của tính ảo giác (Hallucination), tính thiên kiến (Bias) và tính kiểm soát (Control) của GenAI. Bên cạnh đó là nguy cơ bảo mật, chi phí triển khai lớn, phải đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đòi hỏi nhân lực trình độ cao…

Phát triển AI theo hướng nào?

Theo GS.Vũ Hà Văn, Việt Nam cần phát triển GenAI phù hợp với thị trường, cũng như bài toán cụ thể của các doanh nghiệp. Để đón đầu làn sóng GenAI, cần chú trọng phát triển 3 trụ cột là con người, tài nguyên và công cụ. Trong đó, phải đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, khuyến khích, đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển GenAI. Khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ, chủ động kiểm soát nội dung, đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia. Cuối cùng, xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, làm tiền đề phát triển các giải pháp tích hợp GenAI dựa trên dữ liệu của người Việt, do người Việt làm chủ.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn, không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài, mà nên tự tạo công nghệ cho chúng ta, công nghệ Việt cho người Việt”, GS. Vũ Hà Văn khẳng định.

Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud cho rằng, Việt Nam có cơ hội bắt kịp thế giới, tạo ra nền công nghiệp AI mới. Ông Việt cũng gợi ý 5 điều cần làm, trong đó đầu tiên là đủ năng lực để tạo ra ứng dụng AI mà người Việt có thể sử dụng. Hai là phải tập hợp được dữ liệu từ Chính phủ, người dân Việt Nam để làm chủ dữ liệu của chính mình. Ba là hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng để AI đi vào doanh nghiệp trơn tru hơn. Bốn là tạo ra nguồn lực dồi dào, thu hút những người nghiên cứu và phát triển công nghệ trên toàn cầu. Cuối cùng là khơi thông thị trường AI tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu được AI đem lại những giá trị gì, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất, tối ưu chi phí ra sao.

TS. Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu FPT chỉ rõ, GenAI là công nghệ cần năng lực hạ tầng tính toán lớn hơn rất nhiều so với AI truyền thống và đây là rào cản của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận công nghệ này. GenAI được kỳ vọng đóng góp 14.000 tỷ đồng vào kinh tế Việt Nam trong năm 2030, tăng trưởng ứng dụng 50%, góp phần cá nhân hóa, hỗ trợ theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, hiện chỉ có 36% doanh nghiệp tìm hiểu, con số thực tế triển khai chỉ 9%.

“Rõ ràng, để tối đa hóa lợi ích mà GenAI mang lại, Chính phủ và doanh nghiệp cần tập trung tìm lời giải cho việc xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng lớn, bao gồm đầu tư sản xuất chip bán dẫn, chính sách về giá điện, giá năng lượng, cũng như củng cố hạ tầng viễn thông”, ông Trung khuyến nghị.

Ở góc độ khác, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Việt Nam khối Kinh doanh, Marketing và Truyền thông của Tập đoàn Intel cho rằng, Việt Nam cần một phương pháp tiếp cận AI linh hoạt dựa trên các nguyên tắc đạo đức cơ bản như minh bạch, có trách nhiệm và công bằng. Theo đó, có thể tạo ra một cơ chế thử nghiệm AI, cho phép các tổ chức và doanh nghiệp có thể thử nghiệm trong môi trường được kiểm soát trước khi công nghệ này được đưa ra sử dụng ở quy mô rộng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần gia tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua AI bằng việc đào tạo nguồn nhân lực tinh nhuệ, đầu tư xây dựng các trung tâm trọng điểm nghiên cứu đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao về AI và khoa học dữ liệu, mở rộng hiểu biết cho lực lượng lao động phi kỹ thuật về AI…

“Trong bối cảnh những năm tới sẽ là thời kỳ lý tưởng cho các quốc gia xây dựng nền tảng AI, Việt Nam cần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về AI, đảm bảo AI được triển khai an toàn mà không gặp nhiều trở ngại từ các quy định, đồng thời xây dựng hạ tầng công nghệ mở và đa dạng. Bằng cách này, Việt Nam có thể hiện thực hóa kỳ vọng lớn lao từ công nghệ AI và trở thành một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này”, ông Thắng khuyến nghị.

Tại talkshow “Khai thác tiềm năng từ trí tuệ nhân tạo cho phát triển kinh tế”, do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia cấp cao nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC) khuyến nghị, các quốc gia đi đầu trong AI như Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều lập các hội đồng cố vấn AI cho chính phủ.

“Chính phủ nên cân nhắc thành lập một hội đồng cố vấn về AI. Chúng ta có nhiều chuyên gia người Việt xuất sắc đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ thế giới, tham gia sáng tạo những công nghệ mới dựa trên AI. Họ cùng các chuyên gia trong nước có thể đưa ra tầm nhìn và giới thiệu cho Chính phủ những đường lối phát triển AI phù hợp cho quốc gia. Đây là những bài học quý giá về mặt chính sách mà Việt Nam có thể học hỏi từ các nước đi đầu trong lĩnh vực AI”, bà Dung nói.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 83/CĐ-TTg về tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI và điện toán đám mây.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Thúc đẩy việc hình thành, phát triển hệ sinh thái, các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI, điện toán đám mây…
FPT khởi công Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo, Đô thị phụ trợ tại Bình Định
Liên danh FPT Quy Nhơn tổ chức lễ khởi công, động thổ Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định với diện tích hơn 93,2...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư