Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chưa đi vào khai thác, cổ đông lớn Cảng Phước An đã muốn thoái 17,2% vốn
Duy Bắc - 25/05/2022 10:09
 
Cổ đông lớn muốn bán vốn tại Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã chứng khoán PAP - sàn UPCoM).

Cổ đông lớn nhất Hoành Sơn muốn giảm sở hữu

Theo đó, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn đăng ký bán hơn 25,8 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 44% về 26,8% vốn điều lệ (bán 17,2% vốn), giao dịch dự kiến thực hiện từ 26/5 đến 24/6.

Tính tới 31/12/2021, Cảng Phước An có hai cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sở hữu 44% vốn điều lệ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 23,33% vốn điều lệ, và còn lại 32,67% vốn điều lệ thuộc về cổ đông khác.

Như vậy, nếu giao dịch thành công, Hoành Sơn sẽ còn sở hữu 26,8% vốn điều lệ tại Cảng Phước An và vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty.

Theo tìm hiểu, Hoành Sơn là doanh nghiệp có địa chỉ tại Hà Tĩnh với đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hồng Sơn, bắt đầu hoạt động từ năm 2016 và hoạt động trong lĩnh vực bốc xếp hàng hóa. Thêm nữa, ông Nguyễn Hồng Sơn cũng đang là đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuấn Lộc.

Điểm đáng lưu ý, Cảng Phước An là chủ đầu tư Dự án cảng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) và khu dịch vụ hậu cần cảng. Theo quy hoạch, khu cảng Phước An có năng lực phục vụ tàu có trọng tải đến 60.000 DWT, gồm 10 bến (6 bến container và 4 bến tổng hợp) với tổng chiều dài 3.050 m.

Công suất bến là 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Còn khu dịch vụ hậu cần cảng có công suất bến là 2,2 triệu TEU/năm hàng container và 4 triệu tấn/năm hàng tổng hợp.

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp vào tháng 11/2017, tổng diện tích sử dụng của cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng là 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 2.635,7 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.

Công ty đang triển khai giai đoạn 1 của dự án với diện tích sử dụng 17,4 ha, nhưng đang giãn tiến độ đầu tư và hoàn thiện hồ sơ chất lượng.

Được biết, để vào cảng, chỉ có duy nhất một tuyến đường chính được xây dựng theo hình thức BOT do Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai phê duyệt tiến độ từ năm 2021 - 2023.

Theo chia sẻ của Công ty, một phần của tuyến đường từ đường 319 đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được UBND tỉnh Đồng Nai đầu tư bằng ngân sách, phần còn lại đang trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Chính vì vậy, tiến độ khai thác cảng Phước An phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng tuyến đường kết nối theo hình thức BOT.

Được biết, vì đang triển khai dự án và chưa đi vào hoạt động cảng Phước An nên từ năm 2016 tới nay, công ty liên tục không ghi nhận doanh thu mà chỉ phát sinh chi phí dẫn tới lỗ.

Quý I/2022, Cảng Phước An tiếp tục không ghi nhận doanh thu

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, Cảng Phước An tiếp tục không ghi nhận doanh thu và ghi nhận lỗ thêm 0,42 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 1,03 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty chỉ ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp 0,42 tỷ đồng so với cùng kỳ 0,53 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2022, với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong quý đầu năm đã nâng tổng lỗ lũy kế của Công ty lên 3,3 tỷ đồng.

Cảng Phước An cho biết trong báo cáo, Công ty là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 1,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 9,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 42 triệu đồng và dòng tiền tài chính dương 1 tỷ đồng.

Thực tế, Công ty đã trải qua hai năm liên tiếp dòng tiền kinh doanh âm, năm 2020 âm 16 tỷ đồng và năm 2021 âm thêm 7 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Cảng Phước An tăng nhẹ 0,1% so với đầu năm lên 1.595,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn đạt 1.525,4 tỷ đồng, chiếm 95,6% tổng tài sản của công ty.

Theo thuyết minh Báo cáo tài chính, chi phí xây dựng cơ bản dở dang chủ yếu là 1.391,6 tỷ đồng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/5, cổ phiếu PAP giảm 1.700 đồng về 11.100 đồng/cổ phiếu.

PAP tiếp tục dồn lực giải phóng mặt bằng "siêu" dự án Cảng Phước An
Chỉ một năm qua, PAP đã giải ngân thêm 1.300 tỷ đồng, chủ yếu cho mục đích giải phóng mặt bằng. Dự án trên thượng lưu sông Thị Vải - Cái Mép...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư