Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Chưa rõ hiệu quả dự án tỷ đô Lọc hoá dầu Nhơn Hội
Thanh Hương - 19/04/2013 06:31
 
Bộ Công thương đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Dự án Lọc hoá dầu Nhơn Hội) vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi về hiệu quả kinh tế của siêu dự án tỷ đô này vẫn đang còn bỏ ngỏ.
TIN LIÊN QUAN
Công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ bằng 1/5 so với Nhà máy Lọc hoá dầu Nhơn Hội.

Siêu Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội có quy mô 660.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương công suất 30 triệu tấn/năm (gấp gần 5 lần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và gấp 3 lần Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn). Tổng vốn đầu tư của Dự án theo mức năm 2012 là 26,9 tỷ USD, với dự kiến sẽ chiếm diện tích 2.000 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Siêu dự án được đề xuất bởi Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) hiện chưa xác định được các nhà đầu tư tham gia, mà mới chỉ đưa ra dự kiến sẽ có sự tham gia của PTT, Công ty Dầu khí Thái Lan cùng các đối tác nước ngoài và đối tác Việt Nam.

Hiện nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã hoàn tất. Nghiên cứu khả thi được lên kế hoạch thực hiện trong thời gian 10 - 12 tháng. PTT cũng dự tính, nếu toàn bộ công tác chuẩn bị, tổ chức đấu thầu, phê duyệt và các thủ tục khác liên quan được hoàn thành, Dự án có thể khởi công vào quý I/2016, vận hành chính thức dự kiến đầu năm 2019.

Với quy mô gần 27 tỷ USD, Dự án đề cập việc sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất hiện nay có xuất xứ từ châu Âu, châu Mỹ và châu Á, cũng như viễn cảnh sẽ tạo việc làm trực tiếp cho 10.000 - 30.000 lao động và 100.000 lao động gián tiếp thông qua chuỗi sản xuất, cung ứng liên quan.

Tương lai về một khu công nghiệp hóa dầu hiện đại, sầm uất với quy mô lớn này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Bình Định, nơi có Khu kinh tế Nhơn Hội. Trong buổi làm việc với Bộ Công thương hồi đầu năm 2013 liên quan tới dự án này, các lãnh đạo cấp cao của tỉnh Bình Định cho biết, sự quan tâm của PTT tới dự án đã được 2 năm. Trước PTT, từng có các nhà đầu tư từ Hồng Kông, Nga cũng đến Nhơn Hội tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án lọc dầu.

Về phía mình, PTT cũng kỳ vọng đưa Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội trở thành là dự án lọc hóa dầu phức hợp số 1 thế giới, bởi sự hợp nhất giữa lọc dầu và hóa dầu ở quy mô lớn, cũng như vị trí đặt nhà máy. Doanh thu của Dự án về xăng và hóa dầu có thể đạt trên 33 tỷ USD và tỷ lệ thu hồi vốn đạt 14%. “Dự án này khi được thực hiện cũng sẽ trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của PTT và có thể xếp thứ 6 trong top 10 nhà máy lớn nhất thế giới”, đại diện PTT cho hay.

Đề xuất với Chính phủ việc bổ sung Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí, Bộ Công thương cũng đưa ra những lưu ý mà nhà đầu tư cần làm rõ. Đó là phương án cung cấp dầu thô dài hạn, phương án tiêu thụ sản phẩm đầu ra ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện Việt Nam có 7 dự án lọc dầu trong quy hoạch, tuy nhiên, mới chỉ có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là đã đi vào hoạt động và Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang bắt đầu xây dựng.

Theo tính toán của Bộ Công thương về nhu cầu xăng dầu, tới năm 2020, nếu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm và Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô vừa được nâng công suất lên 8 triệu tấn dầu thô/năm được triển khai đúng tiến độ cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và các nhà máy chế biến condensat, nhiên liệu sinh (khoảng 1,5 triệu tấn/năm) đang hoạt động, thì nguồn cung trong nước vẫn thiếu hụt so với nhu cầu 5 triệu tấn.

Còn tới năm 2025, nếu các nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong và Nhà máy Lọc dầu Long Sơn tiếp tục đi vào vận hành, nguồn cung sẽ chỉ còn thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn so với nhu cầu trong nước.

Vì vậy, nếu một số dự án lọc dầu có trong Quy hoạch nhưng không được đưa vào vận hành đúng tiến độ trong giai đoạn 2021 - 2025, thì việc bổ sung Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội vào Quy hoạch và cho phép tham gia thị trường xăng dầu trong nước ở một mức độ nào đó là chấp nhận được.

Với tiến độ xây dựng được đề xuất là khởi công trong quý I/2016 và sau 3,5 năm sẽ hoàn thành, các chuyên gia cũng cho rằng, không khả thi, bởi quy mô Dự án lên tới 30 triệu tấn/năm, có công nghệ phức tạp và đòi hỏi vốn lớn.

Liên quan đến vốn đầu tư, Bộ Công thương cũng cho rằng, PTT chưa thể hiện sự cam kết mạnh mẽ với việc đầu tư, xây dựng dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư