Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Chưa thấy xử lý cá nhân nào gây lãng phí
Hàn Tín - 04/11/2013 16:00
 
Chưa thấy cá nhân nào gây lãng phí bị xử lý. Chưa có người đứng đầu cơ quan gây ra lãng phí bị bị kỷ luật. Tình trạng lãng phí diễn ra khắp nơi nơi... Từ thực tế này, tham gia thảo luận Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí vào sáng nay (ngày 4/11), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng,  “đang chống lãng phí ở phần ngọn”, chống lãng phí chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”. >>> Xây “đê” chống đầu tư công dàn trải, lãng phí >>> Cắt giảm kinh phí khởi công, khánh thành >>> Lãng phí nguy hại hơn tham ô

Để hoàn thiện một dự án giao thông đô thị, bất cứ con đường nào cũng bị đào lên - lấp xuống không dưới 3 lần. Khởi đầu, ngành giao thông đào lên để cải tạo, nâng cấp, sau khi hoàn thiện thì đến lượt ngành cấp thoát nước; điện lực; bưu chính viễn thông… đào lên để ngầm hóa nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Đại biểu tỉnh Quảng Ninh, bà Ngô Thị Minh

Theo Đại biểu Ngô Thị Minh, nếu xét riêng từng ngành, từng dự án thì không ngành nào lãng phí, thậm chí còn rất tiết kiệm vì dự án nào cũng thực hiện theo đúng thủ tục đấu thầu, đầu tư.

Nhưng xét tổng thể cả dự án thì lãng phí vô cùng vì cùng một con đường bị đào lên, lấp xuống nhiều lần, vừa lãng phí về thời gian, lãng phí về tiền bạc đầu tư, lãng phí cả cho xã hội vì người dân không buôn bán được và gây bức xúc cho cả xã hội.

“Ở các đô thị, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng để xảy ra lãng phí, như dự án bất động sản xây dựng nửa chừng rồi bỏ đấy; công trình xây dựng xong không sử dụng được hoặc không ai sử dụng… với hàng trăm, hàng ngàn lý do nhưng chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm, kể cả người phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư”, bà Minh Bức xúc và đề nghị phải có chế tài xử lý người ra chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với dự án gây lãng phí.

Tình trạng xây chợ xong không có người họp chợ vì bất hợp lý và bất tiện; đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cảng biển nước sâu nhưng tàu biển trọng tải trung bình phải xuống tải ngoài khơi; nhiều dự án mía đường đổ bể vì bất hợp lý… diễn ra không hiếm, nhưng chưa thấy cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm, khiến Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy bất bình.

“Khi sự việc lãng phí bị báo chí phản ánh, dư luận xã hội lên án thì cơ quan nọ đổ trách nhiệm cho cơ quan kia và nguyên nhân gây ra lãng phí cuối cùng đều là do cơ chế không phù hợp; năng lực, trình độ cán bộ còn hạn chế. Và cuối cùng, việc xử lý lãng phí… hòa cả làng”, bà Thúy nêu lên thực trạng.

Lấy dẫn chứng từ Báo cáo tổng thể về quy hoạch thủy điện vừa được Chính phủ trình Quốc hội vào cuối tháng 10 với hơn 400 thủy điện bị loại ra khỏi quy hoạch, bà Thúy đề nghị, muốn giải quyết tận gốc tình trạng lãng phí thì phải xử lý ngay từ khâu xây dựng chủ trương đầu tư.

Theo bà Thúy, người gây ra lãng phí trực tiếp vài trăm triệu đồng bị xử lý, trong khi người ra chủ trương đầu tư (như quy hoạch thủy điện), gây lãng phí hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng không bị xử lý khiến dư luận hết sức bức xúc.

Vị đại biểu đại diện cho cư tri Đà Nẵng này cho rằng, nếu không xử lý trách nhiệm của người ra chủ trương đầu tư, ra quyết định đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí chỉ mới xử lý được phần ngọn tức là chỉ xử lý được cá nhân gây ra lãng phí trực tiếp.

Đại biểu Lê Đắc Lâm, tỉnh Bỉnh Thuận

“Phải luật hóa cụ thể, chi tiết và chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi gây ra lãng phí”, Đại biểu Lê Đắc Lâm đồng tình sau khi dẫn chứng hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn hec-ta đất công bị sử dụng lãng phí nhưng chưa ai phải chịu trách nhiệm kỷ luật.

Đồng tình với nhận định của nhiều Đại biểu Quốc hội là lĩnh vực nào sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công cũng đều dẫn tới lãng phí từ tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn đến mua sắm ô tô, xây dựng trụ sở…

“Lãng phí còn nguy hiểm hơn tham nhũng, nếu không có chế tài đủ mạnh để xử lý thì việc chống lãng phí cũng chẳng khác gì bắt cóc bỏ đĩa”, ông Lâm ví von.

Đánh giá lại toàn bộ Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Đại biểu Đặng Thị Kim Chi “thấy không ổn”.

Bà Chi lấy ví dụ cụ thể, mới đây một bộ tổ chức hội nghị triệu tập khoảng 300 đại biểu khắp các địa phương trong cả nước về Hà Nội về dự. Khi mọi người đã tập trung về Hà Nội thì được thông báo hoãn vì… lãnh đạo bộ có việc đột xuất.

“Chi phí đi về, ăn ở từ Phú Yên (nơi Đại biểu Chi ứng cử) đi - về Hà Nội hết khoảng 8 triệu đồng/người. Nhân số tiền này với số đại biểu tham dự cuộc hội nghị kể trên mới thấy việc tiêu tiền ngân sách lãng phí biết chừng nào. Nhưng Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí lại không xử lý được, vì đơn vị tổ chức hội nghị gây lãng phí cho đơn vị khác chứ bản thân họ không để xảy ra lãng phí”, bà Chi nêu lên bất cập.

Cắt giảm kinh phí khởi công, khánh thành
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, việc cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 vẫn tiếp tục hết sức khó khăn, nhưng đây là cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư