Thứ Hai, Ngày 19 tháng 05 năm 2025,
Chuẩn hóa năng lực bác sỹ y học cổ truyền trong thời kỳ hội nhập
D.Ngân - 18/05/2025 16:58
 
Việc kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong đào tạo và thực hành y tế tại Việt Nam đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Đây không chỉ là giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mà còn là định hướng chiến lược nhằm xây dựng đội ngũ bác sỹ có kiến thức toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 18/5, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức chuỗi Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Thừa kế - Sáng tạo - Hội nhập quốc tế”.

Sự kiện quy tụ gần 20 chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều quốc gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng đào tạo, điều trị và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, ngành y học cổ truyền Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh đổi mới hệ thống y tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại và y học cổ truyền là hướng đi tất yếu, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, mô hình đào tạo đến thực hành lâm sàng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kết hợp ứng dụng hiệu quả hai nền y học. Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền, quảng bá thương hiệu y học cổ truyền Việt Nam ra quốc tế.

Theo TS.Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, mặc dù đã có nhiều chỉ đạo, nghị quyết về kết hợp hai nền y học, nhưng trên thực tế việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Các phác đồ điều trị tích hợp chưa được phê duyệt và áp dụng rộng rãi, khiến tiềm năng của y học cổ truyền chưa được khai thác hiệu quả.

“Điều quan trọng là phải thay đổi ngay từ khâu đào tạo. Chúng ta cần hướng tới mô hình đào tạo bác sỹ có hiểu biết sâu sắc cả về y học hiện đại và y học cổ truyền, ví dụ như tỷ lệ 50-50. Điều này không chỉ giúp bác sỹ đưa ra quyết định điều trị linh hoạt, mà còn là cầu nối giữa hai hệ thống y học", bác sỹ Cường chia sẻ.

Tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, việc tích hợp đào tạo đã được triển khai bước đầu. Nhiều nghiên cứu khoa học chuyên sâu đang được tiến hành nhằm xây dựng các phác đồ điều trị dựa trên kết hợp hai nền y học, có cơ sở khoa học rõ ràng để thuyết phục giới chuyên môn và quản lý.

TS.Cường cũng cho rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp, có thể áp dụng mô hình phối hợp bác sỹ y học hiện đại và bác sỹ y học cổ truyền cùng tham gia điều trị. Theo đó, bác sỹ y học hiện đại phụ trách chẩn đoán và can thiệp bằng các phương pháp tiên tiến, trong khi bác sỹ y học cổ truyền bổ sung điều trị bằng thuốc nam, châm cứu, xoa bóp… tùy từng bệnh lý.

Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực bác sỹ y học cổ truyền, hướng tới kỳ thi đánh giá hành nghề vào năm 2027 theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

TS.Lê Mạnh Cường cho rằng, muốn có kỳ thi đánh giá năng lực hiệu quả, trước hết phải có bộ tiêu chí rõ ràng, có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế như mô hình Trung Quốc, nơi bác sỹ được đào tạo đồng thời cả hai nền y học.”

Còn theo TS.Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, Hội thảo lần này là dịp để các chuyên gia cùng nhau thảo luận về đổi mới phương pháp đào tạo, xác định năng lực cần thiết của bác sỹ y học cổ truyền trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Từ đó, có thể đề xuất với Hội đồng Y khoa quốc gia các yêu cầu đặc thù và tiêu chí hành nghề phù hợp.

Các chuyên gia cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo và bệnh viện, đào tạo bác sỹ theo chuyên khoa sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực như ung bướu, cơ xương khớp, mất ngủ, các bệnh mãn tính… Trong đó, các mô hình kết hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền cần được thử nghiệm, đánh giá và nhân rộng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư