Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Chung kết "STEAM for Girls": Giải pháp kiến tạo tương lai từ nữ sinh
Như Loan - 04/10/2024 15:41
 
Ngày 3/10/2024, sau 3 ngày trải nghiệm các hoạt động và xây dựng dự án, các thí sinh “STEAM for Girls - STEAM xanh cho nữ sinh 2024” đã bước vào tranh tài tại Vòng chung kết cuộc thi.

Theo đó, 69 thí sinh được chia thành 23 đội với các thành viên được sắp xếp từ các tỉnh, thành, đất nước khác nhau. Mỗi đội bốc thăm 1 trong 3 chủ đề: Kỹ năng STEAM và kỹ năng xanh cho trẻ em gái; Năng lượng tái tạo; Thích ứng với biến đổi khí hậu, để thực hiện nghiên cứu dự án.

Phát biểu tại Vòng chung kết, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Chúng tôi muốn tạo một sân chơi dành riêng cho các em nữ sinh về STEAM, lĩnh vực mà trước đây gần như nam sinh chiếm ưu thế hơn. Hôm nay, các bạn nữ sinh mang đến rất nhiều ý tưởng với cách thức triển khai đa dạng trong mọi lĩnh vực từ truyền thông, khoa học, giáo dục... Thậm chí, có rất nhiều dự án mà các bạn phát triển ý tưởng ở những khía cạnh rất tinh tế, hài hòa và tạo bất ngờ lớn cho ban giám khảo. Dù chỉ có vài ngày để làm quen các thành viên của nhóm và xây dựng các dự án nhưng các em đã hoàn thành tốt phần thi của mình”.

GS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ tại vòng chung kết cuộc thi.

Trước đó, các thí sinh của cuộc thi đã có 3 ngày học tập và trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật… từ chuyến tham quan TP.HCM, Học viện Hàng không Vietjet, Trung tâm đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub và Triển lãm  Đa giác quan Van Gogh và Monet.

Từ những nghiên cứu, trải nghiệm thực tế và sự hướng dẫn của các giáo viên, các thí sinh đã bắt tay thực hiện dự án của mình. Các bạn đã vận dụng kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sinh học… để hoàn thiện dự án. Song song đó, với khả năng sử dụng thành thạo các công cụ và phần mềm đồ họa, thiết kế cùng năng khiếu thẩm mỹ, từ những ý tưởng phác thảo ban đầu, các nữ sinh đã từng bước hoàn thành sản phẩm nghiên cứu ấn tượng, đặc sắc chứa đựng nhiều nội dung khoa học lý thú, bổ ích. Bên cạnh đó, các em đã dành thời gian để tạo ra các sản phẩm, mô hình đơn giản để minh hoạ cho các ý tưởng, đề xuất của mình.

Dự án “Green living locally - Xây dựng không gian sống xanh địa phương” đạt giải nhất của chủ đề “Kĩ năng STEAM xanh”
Dự án “Laugh and learn-Climate Change-Funny Course” đạt giải nhất Chủ đề Thích ứng với biến đổi khí hậu

Các chủ đề dự án được các nhóm thí sinh lựa chọn xoay quanh các vấn đề: Xây dựng trường học, nhà ở xanh, thông minh; sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió trong nông nghiệp, thủy điện; sáng kiến giải pháp rác thải điện tử,…

TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Giáo dục STEM Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, giá khảo cuộc thi chia sẻ: “23 dự án của thí sinh đều có những sự sáng tạo riêng, đặc biệt nhiều dự án gắn với tình hình môi trường, khí hậu địa phương như vùng núi, vùng đồng bằng… Từ cuộc thi, các em học sinh được phô diễn kỹ năng, kiến thức về khoa học, kỹ thuật, công nghệ... những lĩnh vực vốn là thế mạnh của nam giới, khiến các em thêm tin vào bản thân, vượt khỏi giới hạn”.

Tại vòng chung kết cuộc thi, 23 đội thi với 23 dự án sẽ tranh tài thuyết trình cùng Ban giám khảo. Dựa trên các tiêu chí: Sáng tạo và đổi mới; Khả thi và ứng dụng; Tính hợp tác và làm việc nhóm,... Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra 9 đội thi xuất sắc nhất bước tiếp để tranh giải nhất và giải nhì.

Kết quả chung cuộc của STEAM for Girls - STEAM xanh cho nữ sinh 2024:

3 giải Nhất thuộc về:

- Chủ đề Năng lượng tái tạo: Dự án “Năng lượng sinh khối - Biến thách thức thành cơ hội” của nhóm thí sinh Nguyễn Phương Anh (Hà Giang); Trương Đông Nhi (Ninh Thuận); Phạm Lê Vy (Trà Vinh);

- Chủ đề Kĩ năng STEAM xanh: Dự án “Green living locally - Xây dựng không gian sống xanh địa phương” của nhóm thí sinh Natnicha Chanapha (Thailand); Nguyễn Hà Linh (Hà Nội); Adriana Fariesha (Malaysia)

- Chủ đề Thích ứng với biến đổi khí hậu: Dự án “Laugh and learn-Climate Change-Funny Course” của nhóm thí sinh Charinrat Mahapaisan (Thailand); Nguyễn Dương Yên My (Quảng Trị); Nurul Alya Syafiah (Malaysia);

Em Nguyễn Phương Anh - thí sinh đến từ Hà Giang đạt giải Nhất cho biết: “Nhóm của em xây dựng dự án năng lượng sinh khối” nhằm khuyến khích người dân, đặc biệt là ở vùng núi như Hà Giang của em biết tận dụng các nguồn năng lượng từ thiên nhiên để phục vụ cho sinh hoạt và phát triển du lịch địa phương. Em thấy rất vui và tự hào vì em cùng các bạn đã đạt được thành tích này. Cuộc thi đã giúp em học hỏi được nhiều kỹ năng, kiến thức thú vị về STEAM và đặc biệt làm quen nhiều bạn mới trong nước và cả các nước bạn”.

6 giải nhì thuộc về: Dự án “Năng lượng nước nhỏ, Hiệu quả lớn”; Dự án “Ngôi trường mơ ước của chúng em”; Dự án "Sống xanh mỗi ngày”; Dự án “Công nghệ sấy khô để xử lý chất thải thực phẩm thành thức ăn chăn nuôi hoặc vật liệu tái chế”; Dự án “Giải pháp sáng tạo để giảm phát thải khí carbon dioxide trong cuộc sống hàng ngày”; Dự án “Phân tích một số nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu”. Ban tổ chức cũng trao 14 giải 3 cho 14 đội thi còn lại của vòng chung kết và các giải cá cá nhân xuất sắc.

Giáo dục STEAM cho nữ sinh với mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học với phương thức tiếp cận tích hợp nghệ thuật. Cuộc thi STEAM for Girls là sân chơi để các em nữ sinh rèn luyện kỹ năng, tư duy phản biện, phát triển kiến thức và khẳng định bản thân với bạn bè trong nước cũng như quốc tế.

Với những dự án sáng tạo đầy chất lượng, cuộc thi đã chứng minh rằng, không có bất cứ giới hạn nào cho nữ giới, kể cả trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Các em học sinh nữ chính là những nhà sáng chế, nhà khoa học trong tương lai cần được ươm mầm và phát triển.

STEAM for Vietnam bắt đầu tuyển sinh các khóa học Lập trình và Công nghệ Robotics miễn phí
Học kỳ mùa xuân này sẽ khai giảng vào ngày 10/1/2021, dự kiến kéo dài trong 10 buổi học vào sáng Chủ nhật hàng tuần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư