Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Chứng khoán tăng mạnh nhất 9 tháng, lấy lại mốc 1.250 điểm
Thuỳ Trang - 16/08/2024 15:54
 
VN-Index tăng gần 29 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ đầu tháng 11/2023 đến nay và lấy lại mốc 1.250 điểm khi nhà đầu tư giải ngân mạnh vào các cổ phiếu vốn hoá lớn.

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch cuối tuần trong trạng thái hưng phấn, trái ngược hoàn toàn với sự thận trọng bao trùm suốt hai phiên trước. VN-Index nhanh chóng vượt vùng giá 1.240 điểm nhờ dòng tiền đổ vào rổ vốn hoá lớn, sau đó thu hẹp biên độ tăng bởi nhà đầu tư tranh thủ chốt lời.

Tuy nhiên, đến phiên chiều, thị trường lại tiếp tục bật mạnh khi bên mua áp đảo hoàn toàn bên bán. Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP.HCM nhờ đó có thời điểm vượt mốc 1.253 điểm trước khi đảo chiều nhẹ và đóng cửa tại 1.252,23 điểm, tăng 28,67 điểm so với tham chiếu. Tính theo giá trị tuyệt đối, đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số trong hơn 9 tháng trở lại đây. Lần gần nhất VN-Index tích luỹ hơn mức này là phiên 8/11/2023. 

Tính chung tuần này, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, chỉ số tích luỹ hơn 29 điểm so với vùng giá cuối tuần trước. 

Hôm nay, sàn TP.HCM có đến 408 mã tăng điểm, gấp hơn 10 lần cổ phiếu giảm. Rổ VN30 đóng góp tích cực nhất vào đà hứng khởi khi có 29 mã đóng cửa trong sắc xanh. VNM là cổ phiếu duy nhất giữ nguyên tham chiếu, ở mức 73.800 đồng.

GVR dẫn đầu danh sách những cổ phiếu tác động tích cực nhất đến thị trường khi tăng 5,82% lên 34.550 đồng. Xếp tiếp theo danh sách này có 5 đại diện đến từ nhóm ngân hàng. Cụ thể, BID tăng 1,82% lên 47.500 đồng, MBB tăng 3,44% lên 24.050 đồng, LPB tăng 4,93% lên 30.850 đồng, CTG tăng 2,04% lên 32.500 đồng và VPB tăng 2,22% lên 18.400 đồng.

Sắc xanh bao phủ ở hầu hết các ngành. Bất động sản là nhóm có trạng thái giao dịch tốt nhất khi tất cả cổ phiếu đều tăng, trong đó nhiều mã tăng hết biên độ và đóng cửa trong trạng thái không có bên bán. Cụ thể, DIG lên 23.750 đồng, NVL lên 11.950 đồng, PDR lên 18.800 đồng, DXG lên 14.100 đồng, HDC lên 28.600 đồng, HPX lên 5.350 đồng và LDG lên 2.030 đồng.

Cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận sự khởi sắc đáng kể trong phiên giao dịch hôm nay khi nhiều mã kịch trần như BSI lên 50.100 đồng, VDS lên 20.650 đồng, AGR lên 17.750 đồng và VIX lên 11.950 đồng.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index đều thuộc nhóm vốn hoá vừa và nhỏ. Cụ thể, VSH dẫn đầu danh sách khi giảm 3,76% xuống 49.850 đồng. Những mã còn lại ghi chỉ số xuống trong phiên cuối tuần lần lượt là TMS, TBC, SRC, TDM, CTF, SVC.

Không chỉ biến động mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng nhảy vọt. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 965 triệu cổ phiếu, tăng 468 triệu đơn vị so với phiên hôm qua. Giá trị giao dịch đạt 23.014 tỷ đồng, gấp đôi so với mức 11.542 tỷ đồng của phiên trước. Đây là phiên có khối lượng cổ phiếu cũng như giá trị sang tay cao nhất trong 9 phiên qua. 

Rổ vốn hoá lớn đóng góp vào thanh khoản 10.753 tỷ đồng, tương ứng khoảng 312 triệu cổ phiếu được sang tay thành công. MWG dẫn đầu về giá trị sang tay khi đạt 1.261 tỷ đồng (tương ứng 18,5 triệu cổ phiếu). Các mã xếp sau lần lượt là HPG xấp xỉ 924 tỷ đồng (tương ứng 36,3 triệu cổ phiếu), SSI 878 tỷ đồng (tương ứng 27,3 triệu cổ phiếu) và FPT 663 tỷ đồng (tương ứng 5,1 triệu cổ phiếu).

Sau 5 phiên gom hàng, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tranh thủ thị trường tăng để xả hàng vớ giá trị ròng 76 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm này bán ra 68,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.205 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân gần 2.130 tỷ đồng để mua 67 triệu cổ phiếu. 

Trên sàn TP.HCM, khối ngoại tập trung xả hàng VHM với giá trị ròng khoảng 316 tỷ đồng, tiếp đến là HPG hơn 180 tỷ đồng, TCB hơn 108 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền khối ngoại tập trung vào cổ phiếu MWG với giá trị ròng 101 tỷ đồng. DIG xếp tiếp theo khi hút ròng khoảng 68 tỷ đồng, sau đó đến CTG hơn 67 tỷ đồng.

Góc nhìn TTCK tuần 12-16/8: Cần một nhịp điều chỉnh nữa để tạo đáy hai
Nhà đầu tư có thể giải ngân khi thị trường đã tạo xong đáy thứ hai hoặc khi thị trường hình thành vùng cân bằng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư