Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán toàn cầu thận trọng sau khi đồng đô la Mỹ đạt đỉnh
- 22/06/2024 07:50
 
Thị trường chứng khoán toàn cầu giao dịch thận trọng trong ngày 21/6 sau khi đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong gần hai tháng qua.
Nhà đầu tư mang tâm lý thiếu quyết đoán trước khi công bố các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Mỹ do S&P Global thực hiện. Ảnh: AFP
Nhà đầu tư mang tâm lý thiếu quyết đoán trước khi công bố các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Mỹ do S&P Global thực hiện. Ảnh: AFP

Thận trọng trước sức mạnh của đồng đô la Mỹ, triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI hầu như không thay đổi trong ngày giao dịch 21/6, mặc dù đang trên đà tăng 0,8% so với tuần trước, nâng mức tăng hàng tháng lên hơn 2%.

Trong khi đó, chỉ số Stoxx của châu Âu mở cửa đi ngang, còn giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán ám chỉ rằng chỉ số S&P 500 của Phố Wall cũng sẽ đi ngang trong các giao dịch sớm ở New York.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đã giảm 0,6% trong ngày giao dịch 21/6 do cổ phiếu công nghệ trượt theo Phố Wall.

Đồng đô la Mỹ ngày 20/6 đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần qua so với đồng yên Nhật Bản, trong khi đồng bảng Anh và đồng euro suy yếu trong bối cảnh các nhà giao dịch đang đợi thêm dữ liệu củng cố khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.

Cụ thể, đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất kể từ ngày 29/4 so với đồng yên sau khi tăng 0,51% lên mức 1 USD "ăn" 158,89 yên trong giao dịch tại New York. Tuy vậy, các nhà giao dịch vẫn cảnh giác trước các dấu hiệu tiếp tục can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhằm thúc đẩy đồng tiền đã chạm mức thấp nhất trong 34 năm vào cuối tháng 4.

Đà tăng của đồng đô la Mỹ vẫn tiếp tục vào ngày 21/6, đẩy đồng yên Nhật vào vùng can thiệp. Đồng yên trượt giá xuống còn 158,77 yên đổi 1 USD, gần bằng tỷ giá cuối tháng 4 khi chính quyền Nhật Bản ra quyết định can thiệp để ngăn chặn đà giảm nhanh chóng của đồng tiền này.

Lạm phát tháng 5 của Nhật Bản đã chậm lại. Điều này làm phức tạp thêm triển vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tăng lãi suất nhanh chóng sau khi kết thúc chính sách lãi suất âm vào tháng 3, một động thái mang tính bước ngoặt trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản.

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Shinichi Uchida cho biết cơ quan này sẵn sàng tăng lãi suất nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến như dự báo của họ, tuy nhiên các tín hiệu vẫn yếu.

Đồng đô la Mỹ đang hưởng lợi từ sự khác biệt ngày càng tăng giữa chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương ở châu Âu. Đơn cử, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hôm 20/6 đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm, còn Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố sẵn sàng nới lỏng tiền tệ vào tháng 8 hoặc tháng 9 sau khi giữ lãi suất ổn định.

Đồng bảng Anh, đồng franc Thụy Sĩ và đồng euro ngày 21/6 cùng suy yếu so với đồng đô la Mỹ.

Trên thị trường nợ, trái phiếu kho bạc Mỹ kết thúc tuần giao dịch này không thuận lợi do nhà đầu tư hoài nghi về triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed đã làm giảm sức hấp dẫn của chứng khoán trả lãi cố định.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng khoảng 3 điểm cơ bản hàng tuần lên 4,7151%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 2 điểm cơ bản lên 4,2341%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thường biến động tăng khi giá giảm.

Tương tự, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tuần này cũng tăng hơn 3 điểm cơ bản lên mức 2,382%.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ Anh, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 4 điểm cơ bản về 4,016% khi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh cắt giảm lãi suất và đảng Lao động đối lập sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Anh vào tháng tới đã thu hút các nhà đầu tư quay trở lại.

Chờ số liệu PMI của Mỹ

Các nhà giao dịch đang chờ đợi kết quả các cuộc khảo sát kinh doanh ở Mỹ để tìm kiếm manh mối xem liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có đủ sức chịu đựng lãi suất cao hay không.

Nhà đầu tư mang tâm lý thiếu quyết đoán trước khi công bố các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Mỹ do S&P Global thực hiện. Các chỉ số này được xem như những bức tranh bao quát theo thời gian thực về niềm tin kinh doanh và hoạt động kinh tế.

Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự đoán các chỉ số PMI của Mỹ trong tháng 6 sẽ đạt trên 50 điểm, mức điểm phản ánh ngành/lĩnh vực đạt tăng trưởng trong kỳ khảo sát. Trước đó, chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Mỹ trong tháng 5 đã giảm 0,5% so với tháng 4, xuống còn 48,7 điểm.

Nền kinh tế Mỹ mạnh lên đã đưa chứng khoán Phố Wall đến mức kỷ lục và ngăn cản triển vọng Fed cắt giảm lãi suất từ ngưỡng cao nhất 23 năm - từ 5,25 đến 5,5%.

Các thị trường đang trông đợi nền kinh tế Mỹ và lạm phát sẽ giảm tốc ở mức vừa đủ để Fed dần nới lỏng các điều kiện tài chính.

Thế nhưng, Fed dường như đã bỏ qua những rủi ro như tác động trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt gây ra tình trạng suy thoái sâu sắc hoặc tăng trưởng kinh tế cao hơn khi tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, theo ông Andrew Pease, người đứng đầu chiến lược đầu tư toàn cầu của Russell Investments.

"Tôi lo ngại sự biến động (thị trường) mạnh hơn trong những tháng tới khi thị trường dao động giữa việc đạt được hạ cánh mềm kinh tế và lo ngại điều đó sẽ không xảy ra", ông Pease cho biết.

[Infographic] Những lần sụp đổ tồi tệ nhất trong lịch sử chứng khoán toàn cầu
Trước lo ngại về đại dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế, nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục lao dốc trong các phiên gần đây....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư