Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 03 tháng 02 năm 2025,
Chứng khoán tuần đầu sau Tết Nguyên đán: Kỳ vọng chinh phục đỉnh gần nhất 1.280 điểm
Hằng Phan - 03/02/2025 08:28
 
Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và chinh phục vùng đỉnh gần nhất tại 1.280 điểm với động lực chính sẽ xoay quanh nhóm ngân hàng và bán lẻ.

E ngại trade war

Trong tuần nghỉ lễ Tết Nguyên đán, cuộc chiến thương mại được các chuyên gia đánh giá là đã chính thức bắt đầu khi ông Trump áp thuế quan 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và 10% lên hàng hóa từ Trung Quốc. Canada đã đáp trả khi áp thuế 25% lên hàng hóa Mỹ, trong khi Mexico cũng chuẩn bị trả đũa, giới đầu tư đang xem động thái từ Trung Quốc tuần này.

Theo chuyên gia CTCK MBS, điểm đáng chú ý, sắc lệnh không nêu rõ tiêu chí về thời điểm dỡ bỏ thuế quan. Thay vào đó, nó bao gồm điều khoản trả đũa nếu bất kỳ quốc gia nào có hành động đáp trả dưới bất kỳ hình thức nào, là dấu hiệu cho thấy khả năng tăng thuế quan trong tương lai. Các mức thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực ngày 04/02. Chưa hết, ông Trump còn tuyên bố sẽ mở rộng danh sách áp thuế sang nhiều mặt hàng khác như chip vi xử lý, dầu khí, thép, nhôm, đồng và dược phẩm. Ông cũng khẳng định sẽ "chắc chắn" áp thuế lên Liên minh châu Âu (EU).

Mối quan ngại về thuế quan được dự đoán sẽ vượt quá mức cao năm 2018.

Giá vàng giao ngay đóng cửa trên mức chủ chốt 2.800 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (31/1) do nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư khi kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump đẩy cao mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế và áp lực lạm phát trên toàn cầu. Giới đầu tư lo ngại thế giới sắp bước vào một cuộc chiến tranh thương mại mới, với các hàng rào thuế quan dâng cao và áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu. Vàng - một tài sản an toàn - thường được ưa chuộng vào những thời điểm có nhiều rủi ro kinh tế và địa chính trị như thế này. Tháng 1 vừa qua, giá vàng giao ngay tăng hơn 7%, nối tiếp chuỗi kỷ lục hơn 40 lần của năm ngoái.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, hợp đồng dầu Brent lùi 11 xu xuống 76,76 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 20 xu (tương đương 0,3%) còn 72.53 USD/thùng. Tuần vừa qua, hợp đồng dầu Brent và dầu WTI lần lượt giảm 2,42% và 2,85%, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Ông Trump nói mức thuế quan mà chính quyền của ông sắp áp lên dầu thô nhập khẩu từ Canada có thể giảm từ 25% về 10%. Ngoài ra, việc áp thuế quan đối với dầu thô và khí đốt có thể bắt đầu từ ngày 18/2 thay vì 1/2. Theo chuyên gia CTCK MBS, việc ông Trump áp thuế đối với dầu thô từ Canada và Mexico - hai nước xuất khẩu dầu thô sang Mỹ nhiều nhất - có thể dẫn tới sự trả đũa từ các quốc gia này và đẩy giá xăng ở Mỹ tăng lên.

Chính sách tiền tệ phân hóa

Sự phân hóa giữa Nhật Bản và phần còn lại của thế giới càng trở nên hiện hữu. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nâng lãi suất lên 0,5% trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) và Ngân hàng Thụy Điển (Riksbank) đều hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tuần qua. Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế dần suy yếu ở phần còn lại của thế giới (ngoại trừ Mỹ), cắt lãi suất được xem là hành động tiên quyết giúp thúc đẩy tăng trưởng nhưng không thể lạm dụng quá mức khi lạm phát vẫn còn đang dai dẳng.

Cụ thể, kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2025, Fed giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở khoảng 4,25-4,5%. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed đưa ra quan điểm thận trọng hơn về sự dai dẳng của lạm phát như một cách giải thích cho quyết định “án binh bất động” của mình. Tuy nhiên, việc Fed không thay đổi lãi suất trong lần họp này đã được thị trường tài chính dự trù từ trước.

Cuối năm ngoái, Fed đã giảm lãi suất 3 lần trong 3 cuộc họp liên tiếp, với tổng mức giảm tròn 1 điểm phần trăm. Bước sang năm 2025, Fed đối mặt với một môi trường với độ bấp bênh cao hơn, khi các chính sách của Tổng thống Donald Trump như áp thuế quan, giảm thuế trong nước và trục xuất người nhập cư trái phép có thể khiến lạm phát ở Mỹ cao dai dẳng.

Với ECB, trong một quyết định có sự nhất trí của 100% thành viên hội đồng thống đốc ECB, cơ quan này giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm về mức 2,75%. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi cơ quan thống kê Eurostat cho thấy nền kinh tế eurzone không hề tăng trưởng trong quý 4/2024.

Kể từ mùa hè năm ngoái đến nay, ECB đã hạ lãi suất 5 lần. Thị trường hoán đổi lãi suất dự báo ECB sẽ giảm lãi suất thêm 2-3 lần nữa, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm, trong năm nay.

Giới phân tích và đầu tư cho rằng do khả năng ECB sẽ giảm lãi suất nhiều hơn so với Fed trong năm nay, đồng euro sẽ tiếp tục suy yếu so với USD, có thể về mức ngang giá với bạc xanh. “Câu hỏi bây giờ không phải là ECB có tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay hay không, mà là giảm bao nhiêu”, nhà kinh tế trưởng Ulrich Kater của công ty DekaBank viết trong một báo cáo.

Thị trường chứng khoán trong nước: khó bùng nổ 

Thị trường chứng khoán trong nước phục hồi 2 tuần liên tiếp, lấy lại 45 điểm trên nền thanh khoản thấp nhưng mặt bằng cổ phiếu tăng trên diện rộng. Chỉ số Vn-Index chốt tuần ở 1.265,05 điểm, tăng +15,94 điểm, tương đương tăng +1,28% so với tuần trước đó, đánh dấu tuần phục hồi thứ 2 liên tiếp và lấy lại 45 điểm. Thị trường hồi phục trên diện rộng, mức tăng chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu như: Ngân hàng, Chứng khoán, Bán lẻ, Logistics, Cao su tự nhiên, Viettel, Công nghệ, v.v…

Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua đạt 13.223 tỷ đồng, tăng 8,9% so với tuần trước đó, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng tăng 15% lên 10.957 tỷ đồng. Theo thống kê, thanh khoản toàn thị trường tháng 1 chỉ đạt 12.827 tỷ đồng, giảm 30,25% so với cùng kỳ và cũng giảm 22,31% so với tháng 12/2024.

Mặc dù đồng tiền của nhiều thị trường Châu Á phục hồi so với đồng USD nhưng áp lực rút ròng từ dòng vốn ngoại vẫn tiếp diễn. Theo MBS, các ngân hàng trung ương trên khắp châu Á đang phải đối mặt với quyết định khó khăn sau khi khả năng Fed giảm lãi suất chậm lại trong năm 2025. Chỉ số tiền tệ châu Á của Bloomberg (Asia Dollar) đã giảm 4% trong năm 2024 và giảm 0,3% kể từ đầu năm 2025 với kỳ vọng thay đổi về chính sách của Fed đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang nắm giữ đồng Đô la. Marcella Chow, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết: "Các ngân hàng trung ương Châu Á có thể cần tập trung vào việc bảo vệ đồng nội tệ thay vì cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trong nước… Các ngân hàng trung ương vẫn có khả năng duy trì xu hướng nới lỏng". 

Các quỹ ETF rút ròng 142 tỷ đồng trong tuần qua, với mức rút ròng kể từ đầu năm đạt khoảng 609 tỷ đồng tính đến ngày 24/01. Trong đó, phần lớn lượng rút ròng đến từ VanEck Vietnam (-73 tỷ), Xtrackers FTSE Vietnam (-32 tỷ), và DCVFMVN Diamond (-32 tỷ).

Thị trường mới nổi đang chứng kiến một năm nữa trôi qua trong nỗi thất vọng của giới đầu tư. Không chỉ trong năm 2024, mà trong suốt thập kỷ qua, hy vọng "sang năm sẽ khá hơn" dường như ngày càng khó thuyết phục nhà đầu tư, đặc biệt khi viễn cảnh về các mức thuế quan và chiến tranh thương mại từ Donald Trump đang khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc việc rút lui hoàn toàn. Chỉ số tham chiếu MSCI Emerging Market tăng chưa đến 5% so với đầu năm, đánh dấu thêm một năm thua kém S&P 500. 

Nhìn lại 12 năm qua, có tới 11 năm thị trường mới nổi có hiệu suất kém hơn S&P 500. Trong giai đoạn này, cổ phiếu Mỹ mang lại cho nhà đầu tư tổng lợi nhuận khoảng 430%, gấp 10 lần so với cổ phiếu thị trường mới nổi. Điểm yếu cốt lõi của thị trường mới nổi nằm ở việc không thể vượt qua sức mạnh của đồng USD. Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của JPMorgan Chase & Co. đang hướng tới năm thua lỗ thứ 7 liên tiếp.

Nguồn MBS
Nguồn MBS

Về kỹ thuật, MBS cho biết, chỉ số VN-Index đã lấy lại hơn 45 điểm trong 2 tuần vừa qua, vượt qua các ngưỡng trung bình quan trọng như MA50, MA100 và MA200 nhưng phía trước là mức cản nơi có mặt của trendline giảm giá kể từ tháng 10/2024. Với mức thanh khoản ở tháng 1 vừa qua chỉ dao động ở vùng 12.000– 13.000 tỷ đồng/phiên, xác suất để thị trường có phiên bùng nổ để vượt cản là thấp mặc dù đang có chuỗi tăng 2 tuần liên tiếp. Bên cạnh đó, với áp lực chốt lời cũng sẽ diễn ra sau 2 tuần cổ phiếu phục hồi trên diện rộng. Kịch bản cơ bản là chỉ số Vn-Index test lại vùng hỗ trợ 1.250– 1.257 điểm, nơi có mặt của các đường trung bình quan trọng.

Theo chuyên gia Mirae Asset, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và chinh phục vùng đỉnh gần nhất tại 1.280 điểm với động lực chính sẽ xoay quanh nhóm Ngân hàng và Bán lẻ. 

Ở chiều ngược lại, các nhịp giảm điểm nhỏ sẽ là một yếu tố cần thiết giúp củng cố đà tăng trong trung hạn đối với chỉ số sàn HOSE. Đối với kịch bản này, Mirae Asset kỳ vọng thị trường sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ ngắn hạn tại 1.250 điểm với áp lực giảm điểm có khả năng sẽ hình thành tại FPT do ảnh hưởng bởi tâm lý có phần bi quan xoay quanh các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ đang chịu áp lực bán tháo bởi sự xuất hiện của mô hình ngôn ngữ lớn Deepseek đến từ chi phí nghiên cứu và phát triển cực thấp so với chi phí đến từ các gã khổng lồ về trí tuệ nhân tạo (AI) như OpenAI và Meta; đồng thời khiến nhà đầu tư chất vấn về tính hiệu quả của các mô hình nghiên cứu AI truyền thống cùng các khoản đầu tư khổng lồ liên quan đến việc mua GPU từ NVIDIA.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư